Access to the path 'E:\WWW\65NamDNN910367\thovan.html' is denied. Cựu sinh viên Đại học Thủy lợi lọt top 10 nhà khoa học trẻ tại Australia

Cựu sinh viên Đại học Thủy lợi lọt top 10 nhà khoa học trẻ tại Australia

Cựu sinh viên Đại học Thủy lợi, Tiến sĩ Nguyễn Duy Duy theo đuổi ngành Thủy lợi để sau này có thể góp sức làm dự án phát triển quê hương chống chọi lại khí hậu khắc nghiệt, nhiều thiên tai... Đây là một cách để anh quay về.

Tiến sĩ Việt Nam lọt top 10 nhà khoa học trẻ tại Australia

Viện Hàn lâm Khoa học Australia vừa công bố danh sách 10 nhà khoa học trẻ trong lĩnh vực khoa học và công nghiệp năm 2024 tại Australia. Điều đặc biệt trong danh sách này, một nhà khoa học trẻ của Việt Nam đã xuất sắc được vinh danh. Đó là Tiến sĩ Nguyễn Duy Duy, một người con của quê hương Hà Tĩnh.

Tiến sĩ Duy đang công tác tại Chương trình An ninh Nguồn nước, Viện Nghiên cứu Môi trường thuộc Viện Nghiên cứu Quốc gia Australia (Tổ chức Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Liên bang Australia - CSIRO).

Tiến sĩ Việt Nam lọt top 10 nhà khoa học trẻ tại Australia:

Tiến sĩ Duy đang công tác tại Chương trình An ninh Nguồn nước, Viện Nghiên cứu Môi trường thuộc Viện Nghiên cứu Quốc gia Australia. Ảnh: NVCC

Chia sẻ với PV báo Dân Việt về giải thưởng này, Tiến sĩ Duy cho biết: "Tại Australia có khoảng 140 viện và trường lớn nhỏ. Mỗi nơi sẽ gửi 2 đề cử tham dự và chọn ra gương mặt xuất sắc để trao giải. Mình rất vui khi được chọn là một trong Top 10 nhà khoa học trẻ và được nhận giải thưởng của Viện Hàn Lâm Khoa Học Australia. Được nhận giải giúp các đồng nghiệp biết tới công việc của mình hơn, mang tới cho mình nhiều cơ hội hợp tác trong tương lai hơn".

Theo Tiến sĩ Duy, giải thưởng này đặc biệt ý nghĩa vì là giải thưởng cuối cùng anh có thể sử dụng các thành tích đạt được từ thời còn đi học để ứng tuyển (bao gồm các danh sách giải thưởng, bài báo tiêu biểu, bằng sáng chế, kinh nghiệm giảng dạy, hoạt động xã hội, các bài luận và thư giới thiệu). Tiến sĩ Duy sẽ được tài trợ toàn bộ chi phí để tham dự ngày hội Trí tuệ Toàn cầu Lindau Nobel Laureate Meetings tại thành phố Lindau, Đức vào tháng 7 năm nay. Đây là một ngày hội kéo dài 2 tuần để gần 600 nhà khoa học trẻ được hội ngộ gặp gỡ trò chuyện với gần 50 nhà khoa học đạt giải Nobel. Anh Duy còn được tài trợ một khóa học về Truyền thông Khoa học (Science Communication) vào tháng 10 tại Sydney do đài ABC tổ chức.

Tiến sĩ Việt Nam lọt top 10 nhà khoa học trẻ tại Australia:

Top 10 nhà khoa học trẻ tại Australia. Ảnh đăng trên Australian Academy of Science

Được biết, trước đó Tiến sĩ Duy - cựu học sinh Lớp Toán Tin, Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh - đã giành được học bổng và tham gia dự án nghiên cứu khoa học ở nhiều quốc gia khác nhau: Tháng 9/2009, anh trúng tuyển Trường Đại học Thủy lợi. Ngay năm nhất đại học, anh giành giải Nhất cuộc thi Olympic Toán sinh viên toàn quốc và nhận học bổng sang Nga du học vào tháng 9/2010. Sau 5 năm học tại Đại học Bách khoa Sankt-Peterburg, anh tốt nghiệp xuất sắc và nằm trong top 3 toàn trường với điểm trung bình GPA gần tuyệt đối (3.96/4.00).

Anh Duy có cơ hội sang Đức làm việc 1 năm cho tập đoàn Bosch, rồi tiếp tục nhận học bổng toàn phần học thạc sĩ từ 8 trường đại học ở Mỹ. Anh chọn theo học tại Đại học Notre Dame theo hướng nghiên cứu phát triển mô hình dự báo bão. Anh cũng nhận học bổng của hiệu trưởng trường (presidential scholarship) chỉ trao cho 3 sinh viên mỗi năm và tốt nghiệp xuất sắc sau 2 năm học.

Tháng 10/2018, anh Duy nhận học bổng toàn phần để theo học Tiến sĩ tại Đại học Sydney, Australia. Trong chương trình nghiên cứu sinh của mình, anh đã có nhiều lần nhận giải bài báo xuất sắc, là trợ giảng xuất sắc và kết thúc khóa học với giải thưởng luận án tiến sĩ xuất sắc nhất của trường cho ngành kỹ sư năm 2022.

Tiến sĩ Việt Nam lọt top 10 nhà khoa học trẻ tại Australia:

Nam sinh Hà Tĩnh từng nhận học bổng toàn phần tại nhiều quốc gia. Ảnh: NVCC

Cơ duyên với thủy lợi, trăn trở về biến đổi khí hậu

Nói về cơ duyên với ngành Thủy lợi, ngành học một thời từng rất "hot" trong mỗi mùa tuyển sinh, Tiến sĩ Duy chia sẻ có 3 lý do, gia đình, con người và thiên nhiên.

Do sinh ra ở vùng đất Hà Tĩnh gắn liền với hình ảnh mùa mưa lũ trắng trời, mùa nắng hạn cháy da cháy thịt nên anh chọn ngành học có thể trở về cống hiến cho quê hương. Người Hà Tĩnh rất có tinh thần hiếu học và lý do rất lớn là để có thể vươn ra, thoát khỏi vùng đất nhiều thiên tai đó. Tuy nhiên, khi thành công rồi, ai cũng muốn được quay về. Với anh Duy, học Thủy lợi để sau này có thể góp sức làm dự án phát triển quê hương chống chọi lại khí hậu khắc nghiệt, nhiều thiên tai... Đây là một cách để anh quay về. 

Bên cạnh đó, anh Duy cũng có ông ngoại, mẹ cùng làm trong ngành thủy lợi nên sớm được tìm hiểu và được truyền động lực từ những giáo sư có tầm ảnh hưởng trong ngành.

Tiến sĩ Việt Nam lọt top 10 nhà khoa học trẻ tại Australia:

Tiến sĩ Duy đi thực địa tại hồ Hume ở Victoria với máy đo đa quang phổ do nhóm sáng chế và sản xuất, phục vụ cho việc quan trắc chất lượng nước. Ảnh: NVCC

Theo Tiến sĩ Duy, với tình trạng biến đổi khí hậu hiện nay, đây là ngành học được cả thế giới quan tâm và mang lại cho anh nhiều cơ hội trong học tập, nghiên cứu từ các quốc gia khác nhau. "Ở Nga, mình học được nhiều kiến thức về xây đập, đê điều, trong khi đó ở Đức, Mỹ lại mang cho mình kiến thức dựa vào thiên nhiên như nghiên cứu về dòng chảy, xây dựng mô hình dự báo nguồn nước, chất lượng nước, ngập mặn, lũ lụt... để phát triển. Tại Australia, mình có cơ hội làm các dự án cụ thể hơn về chất lượng nước, an ninh nguồn nước và có cơ hội để ứng dụng những dự án này về với Việt Nam. Đây là lý do mình gắn bó với Australia", Tiến sĩ Duy cho hay.

Hiện tại anh đang cùng nhóm nghiên cứu xây dựng hệ thống quan trắc, dự báo chất lượng nước, thí điểm cho hệ thống hồ nuôi tôm ở Hải Phòng. Từ việc thu thập dữ liệu vệ tinh, quan trắc trực tiếp, nhóm anh phát triển mô hình toán kết hợp cùng trí tuệ nhân tạo giúp dự báo các chỉ số chất lượng nước như nhiệt độ, thông số oxy hòa tan, độ đục, các chỉ số hóa học, dinh dưỡng, tảo... Điều này giúp doanh nghiệp và chủ hồ kế hoạch được thời gian nên thay nước, sục nước, cũng như tối ưu hóa môi trường phát triển cho tôm, cá. 

Tiến sĩ Việt Nam lọt top 10 nhà khoa học trẻ tại Australia:

Tiến sĩ Duy tại hội thảo về nước ngọt lớn nhất thế giới Freshwater Science Meeting, năm 2023. Ảnh: NVCC

Anh Duy cho hay: "Điều đặc biệt của dự án này là chiếc máy cảm biến đa quang phổ do nhóm mình nghiên cứu, sáng chế và sản xuất. Đây là chiếc máy có giá thành thấp nhưng lại rất dễ cài đặt ở nhiều địa hình khác nhau, phù hợp với điều kiện Việt Nam. Máy có thể quan trắc tự động nhiều thông số chất lượng nước. Nếu thí điểm thành công, mình rất mong công nghệ và mô hình này sẽ được nhân rộng lên cho cả ngành nuôi trồng thủy hải sản ở Việt Nam. Hơn nữa, công nghệ có thể ứng dụng cho các mục đích khác như quan trắc và dự báo chất lượng nước sinh hoạt, nước sản xuất, nước tưới tiêu, hay nước nông nghiệp,…".

Ngoài ra, theo Tiến sĩ Duy, vùng Đồng bằng sông Cửu Long không phải là lưu vực duy nhất đối mặt với tình trạng biến đổi khí hậu. Các lưu vực sông ở Việt Nam đều bị ảnh hưởng. Vì vậy, mong muốn của anh thực hiện dự án quan trắc chất lượng nước và nguồn nước, đưa ra giải pháp công nghệ chống xâm nhập mặn, hạn hán, sụt lún, cảnh báo lũ sớm và quy hoạch lại các khu vực bị ảnh hưởng này.

Tiến sĩ Việt Nam lọt top 10 nhà khoa học trẻ tại Australia:

Tiến sĩ Duy giảng bài tại Đại học Sydney, Australia. Ảnh: NVCC

Ngay ở quê hương Hà Tĩnh của anh với chiều dài 137km đường bờ biển, 4 cửa biển Cửa Hội, cửa Sót, cửa Nhượng và cửa Khẩu cũng xảy ra tình trạng bồi tụ phía bắc, xói lở phía nam với tốc độ rất cao. Các loại hình thiên tai như lũ lụt, hạn hán cũng đang thay đổi cả về cường độ lẫn tần số... Tất cả trở thành niềm trăn trở của anh.

Tiến sĩ Việt Nam lọt top 10 nhà khoa học trẻ tại Australia:

Tiến sĩ Việt Nam lọt top 10 nhà khoa học trẻ tại Australia:

Tiến sĩ Duy tiếp đón thủ tướng Phạm Minh Chính ghé thăm Viện nghiên cứu Quốc gia Australia CSIRO và giới thiệu về dự án về quan trắc chất lượng nước. Ảnh: NVCC

Chia sẻ về hướng phát triển trở thành nhà nghiên cứu khoa học, công việc tưởng chừng khô khan, khó khổ, anh Duy vui vẻ cho biết: "Mình rất mong các bạn trẻ có được góc nhìn thoáng và cởi mở hơn với nghề nghiên cứu khoa học. Nghiên cứu khoa học cho mình thời gian vừa được làm và học cái mình đam mê, vừa được trả lương xứng đáng, cơ hội phát triển bản thân rất nhiều. So với bạn bè cùng trang lứa đang nhảy công việc này, công việc kia thì với việc nghiên cứu khoa học, mình có kinh tế hơn, công việc ổn định hơn và cân bằng các mối quan hệ hơn.

Ở Việt Nam mình không nắm rõ nhưng ở nước ngoài, chế độ lương dành cho tiến sĩ cao hơn nhiều so với mức lương trung bình, giờ làm việc không bị quản thúc, thoải mái đưa ra các ý tưởng. Ngoài thời gian làm dự án, mình có thể làm thêm từ việc tư vấn cho sinh viên, nghiên cứu sinh, hướng dẫn làm hồ sơ du học, dạy thêm, các hoạt động xã hội... Vì vậy, mình không phải lo lắng kinh tế quá nhiều khi tham gia nghiên cứu khoa học. Tất nhiên, để có được như vậy phải nỗ lực học tốt, làm việc không ngừng nghỉ trong thời gian dài. Dù vậy, chỉ cần mình có đam mê thì sẽ cân bằng được".

Tiến sĩ Việt Nam lọt top 10 nhà khoa học trẻ tại Australia:

Tiến sĩ Duy giao lưu cùng du học sinh Việt Nam tại Đại học Sydney. Ảnh: NVCC

Tư vấn cho các bạn trẻ về ngành Thủy lợi, Tiến sĩ Duy nêu quan điểm: "Ngành Thủy lợi là ngành đặc thù, là ngành đòi hỏi chuyên môn kỹ thuật cao nên khi ra trường cần trang bị đầy đủ kiến thức mới có thể tìm được công việc tốt. Học Thủy lợi cũng không phải là chỉ mỗi học cách xây dựng đê đập, các bạn còn cần kỹ năng về tư duy, toán, lý, hóa, lập trình, các kỹ năng mềm. Là ngành khó, tuy nhiên, với tình trạng biến đổi khí hậu xảy ra khó lường như hiện nay, ngành này sẽ tạo ra rất nhiều cơ hội công việc từ kỹ sư kỹ thuật, cho tới nhà phát triển mô hình khí hậu, nhà kinh tế tài nguyên, nhà hoạch định chính sách, hay là một nhà hoạt động xã hội... 

Ngoài ra, các bạn trẻ không nên bó buộc bản thân khi học đại học. Phải biết cân bằng giữa các môn học trong chuyên ngành và ngoài ngành, biết cách tạo các mối quan hệ với giảng viên trong trường và doanh nghiệp ngoài trường, nên tham gia các hoạt động xã hội giúp phát triển bản thân. Việt Nam là quốc gia có thế mạnh về nông nghiệp, một lĩnh vực nhạy cảm với biến đổi khí hậu nên trong tương lai cần nhiều người có chuyên môn thủy lợi".