Access to the path 'E:\WWW\65NamDNN910367\thovan.html' is denied. Người thầy và hai nửa yêu thương

Người thầy và hai nửa yêu thương

Một ngày tháng 6/2009 trong cái nắng chói chang đầu hè ở Hội thơ Chùa Tiêu (Từ Sơn, Bắc Ninh) tôi gặp Tiến sĩ Dương Văn Tiển, một thầy giáo của Trường Đại học Thủy lợi (ĐHTL), ông vừa về nghỉ hưu tại quê hương Yên Phong. Dưới tán cây thị già, tuy mới gặp nhau lần đầu câu chuyện đã cuốn hút, chúng tôi như người bạn lâu năm gặp lại, vừa lạ vừa quen bởi ông là chồng cô giáo Kiều Thị Then - đồng nghiệp với tôi, lại máu mê thơ phú nên chẳng bao lâu đã trở thành bạn tâm giao của nhau và TS Tiển là hội viên danh dự của Hội Cựu giáo chức quê tôi.

1- Duyên nghiệp với Trường Đại học Thủy lợi

Ở Yên Phong ai cũng biết đến giai thoại “Đò Lo - Chợ Chờ”. Đò Lo chính là bến đò của làng Yên Tân xưa, có tên nôm là làng Bến, thuộc xã Hòa Tiến, huyện Yên Phong, quê hương của TS Tiển. Đây là vùng đất giáp ranh, bên này sông Cà Lồ là Bắc Ninh, bên kia sông là Sóc Sơn, Tp. Hà Nội. Thời xưa nơi đây hoang vu lắm, trộm cướp hoành hành, muốn qua đây người ta phải đợi nhau ở Chợ Chờ cho đông rồi mới dám vượt qua Đò Lo. Mảnh đất thuộc nơi “biên viễn” của xứ Kinh Bắc rèn luyện con người ở đây can trường hơn nơi khác. Làng Yên Tân vốn là làng thuộc vùng đất cổ Tứ Yên (Yên Phụ, Yên Tân, Yên Hậu, Yên Vỹ) của Yên Phong, gắn liền với sự tích Thái úy Lý Thường Kiệt lập phòng tuyến Như Nguyệt để chống quân xâm lược nhà Tống cách đây gần cả ngàn năm.

Sinh ra trong gia đình có truyền thống học hành, ông nội là Cụ đồ Triện, cả đời dạy học cho lũ trẻ trong làng, trước là dạy chữ Nho, sau này là dạy chữ Quốc ngữ. Cái tên “Tiển” nghe là lạ, khó phát âm chính là do ông nội đặt tên cho cháu đích tôn của mình. Nghe các cụ giải thích: chữ Hán thì chữ "Tiển" gồm 2 bộ, bộ Kim ghép với bộ Tiên thành ra chữ "Tiển". Đó là kim loại quý có màu sắc ánh lên như vàng và chí của con người luôn tiến lên phía trước. Ý tưởng người ông muốn cháu mình trở lên cứng cỏi, luôn tiến thủ làm vẻ vang cho gia đình, dòng tộc, làng xóm.

Ngay từ thuở cắp sách đến trường, cậu bé Tiển đã tỏ ra có chí hơn người, bao giờ cũng là học sinh giỏi, luôn có tên trên “Bảng danh dự” của lớp. Năm 1964 học lớp 7 đã được đi thi học sinh giỏi toán toàn miền Bắc và cuối năm được xếp loại học sinh A1(1). Khi là học sinh khóa 2 (1964 - 1967) của Trường cấp 3 Yên Phong (tỉnh Hà Bắc), năm cuối cấp học sinh Tiển là lớp trưởng kiêm bí thư chi đoàn lớp 10 B và có điểm tổng kết cũng xếp loại A1. Thời ấy học xong cấp 3 không phải thi vào đại học, Ban tuyển sinh của tỉnh xếp vào trường nào thì học trường ấy. Riêng học sinh Tiển có gặp một trở ngại mà sau này mới rõ, phần lý lịch gia đình trong hồ sơ để xét vào đại học, chính quyền xã đã ghi: "Ông Dương Văn Nhỡ (bố học sinh Tiển) trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp không ở quê nên chúng tôi không biết...", vì thế hồ sơ này thuộc diện lý lịch không rõ ràng và tạm thời không tuyển dụng dù thành tích học tập của học sinh Tiển đáng được chọn đi du học ở nước ngoài... Lúc đó chiến trường miền Nam đang đánh lớn, chiến tranh phá hoại của Mỹ bằng không quân lan rộng ra miền Bắc và rất ác liệt, học sinh tốt nghiệp hầu hết đi bộ đội, các trường đại học phải sơ tán lên rừng núi và việc tuyển sinh rất khó khăn. Trường ĐHTL đang sơ tán ở huyện Lục Nam đã trực tiếp đến Ty Giáo dục Hà Bắc ở Tx Bắc Giang để tuyển chọn và học sinh Tiển cùng rất nhiều bạn tốt nghiệp phổ thông của tỉnh Hà Bắc đã may mắn được gọi vào học khóa 9 của Trường ĐHTL.

Đất nước mình lắm mưa nhiều nắng, thiên tai bão lũ cũng nhiều. Quê hương của học sinh Tiển đã chứng kiến trận lũ lụt năm 1957 do vỡ đê Mai Lâm, rồi trận lũ lịch sử năm 1971 làm vỡ đê Cống Thôn nước ngập tận lưng nhà. Bởi vậy nhà nào cũng phải chuẩn bị sẵn một chiếc thuyền nan và bắc gác trong nhà để phòng chống úng lụt. Đi học thủy lợi sẽ làm cho quê mình bớt khổ khi mùa lũ, “dẫn thủy nhập điền” khi mùa khô để cày cấy vụ Đông Xuân. Chỉ có ý nghĩ đơn giản như vậy, chàng thanh niên ấy phấn khởi lên núi rừng Lục Nam nhập học...

Năm 1972 tốt nghiệp Trường ĐHTL, nhờ có học lực giỏi và phấn đấu tốt nên kỹ sư Tiển được giữ lại làm giảng viên Bộ môn Thủy văn công trình (TVCT) rồi tham gia quản lý làm Phó Chủ nhiệm bộ môn. Đất nước cần đào tạo nhân tài, năm 1983 giảng viên Tiển là thí sinh duy nhất trong 6 người dự thi của Tiểu ban Năng lượng được Bộ Đại học tuyển chọn và cử đi làm nghiên cứu sinh (NCS) tại Tiệp Khắc (nay là Cộng hòa Séc). Năm 1989 bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ (LATS) và về nước tiếp tục giảng dạy ở Bộ môn TVCT.

Thời kỳ này là thời kỳ nước ta khởi tạo nhiều công trình thủy lợi quan trọng, có tầm ảnh hưởng lớn đến kinh tế dân sinh. TS Tiển cùng đồng nghiệp có nhiều công trình nghiên cứu khoa học (NCKH) quan trọng đóng góp cho sự phát triển của ngành thủy lợi nước nhà. Tính ra TS Tiển tham gia 6 đề tài NCKH cấp Nhà nước và cơ sở, biên soạn 9 giáo trình, bài giảng và sách tham khảo, tham gia phục vụ sản xuất (PVSX) cho 15 công trình thủy lợi, có 11 bài báo được đăng trên các tạp chí khoa học trong và ngoài nước. Với thành tích đó TS Tiển được nhà nước phong học hàm Phó giáo sư (PGS) năm 1996 và chức danh giảng viên cao cấp (GVCC) năm 2006.

Khoa Sau đại học (SĐH) của Trường ĐHTL được thành lập năm 1989 có nhiệm vụ đào tạo trình độ trên đại học: Cấp bằng Tiến sĩ cho NCS bảo vệ LATS, mở hệ cao học cấp bằng Thạc sĩ cho học viên cao học (HVCH) và cấp chứng chỉ cho học viên các lớp SĐH (như bồi dưỡng công chức, chuyên đề, tập huấn và chuyển giao công nghệ, các hội thảo khoa học và quốc tế v.v...). Từ năm 1990 đến 2006 TS Tiển được đề bạt làm Phó trưởng khoa và tiếp đó là Trưởng khoa SĐH. Đây là một khoa mới nên đòi hỏi người quản lý phải rất năng động và sáng tạo, phải đam mê và dám chịu trách nhiệm từ khâu mở ngành nghề, xây dựng chương trình, biên soạn tài liệu giảng dạy, tiến hành tuyển sinh, tổ chức đào tạo và đánh giá cấp bằng tốt nghiệp... Khi giúp trường chèo lái con thuyền này TS Tiển đã có những đột phá và để lại các dấu ấn mang thương hiệu "thủy lợi".

Trước hết TS Tiển đề nghị các thầy đã đến dạy cho Khoa SĐH đều phải có tài liệu cấp cho học viên nghiên cứu, mức thấp nhất là bài giảng. Ông biên tập, cho đánh máy rồi phô tô cho học viên. Đây là cơ sở để sau đó các thầy viết thành giáo trình và sách chuyên khảo, một thời là căn cứ để phong học hàm GS và PGS. Ông còn quy định NCS và HVCH khi bảo vệ đều phải nộp thêm 1 bản LATS và luận văn Thạc sĩ để lưu ở Khoa SĐH, cùng với các tài liệu khoa học từ các hội thảo quốc tế, Khoa SĐH xây dựng thành thư viện giúp cho cán bộ và học viên có tài liệu tham khảo, nghiên cứu.

TS Tiển là người trực tiếp đảm nhận việc tổ chức các lớp chuyên đề SĐH. Thời đó, năm nào cũng có hàng chục lớp rất sôi động, không chỉ ở Hà Nội mà còn đến tận các địa phương đào tạo (như Ninh Thuận, Khánh Hòa, Bình Định, Hội An, Thái Nguyên v.v...) và mở lớp ngay tại các công trường đang xây dựng hồ chứa thủy điện lớn (như Sơn La, Tuyên Quang, Bản Vẽ, Sê San, Ia Mơrông, Yaun Hạ v.v...).

Nắm được nhu cầu đào tạo cao học ở phía Nam, cộng với sự nhiệt tình của thầy Phạm Cao Long (Giám đốc ĐH1, nay là Cơ sở 2 ở Tp Hồ Chí Minh) và thầy Dương Văn Bướm (Giám đốc ĐH2, nay là Viện ĐT&KHƯD miền Trung ở Phan Rang), TS Tiển đề nghị trường cho tuyển sinh và học tại đây. Đây là dấu ấn lịch sử của Trường ĐHTL vì sau đó Bộ GD&ĐT đã cho tiếp tục mở các khóa tiếp theo. Lớp CH5 có 27 học viên tốt nghiệp Thạc sĩ và sau này có tới 15 người đã tiếp tục làm NCS bảo vệ thành công LATS, đều trở thành những lãnh đạo chủ chốt của ngành thủy lợi.

Họp mặt cựu học viên lớp Cao học 5 phía Nam (tại Phan Rang năm 2016)

Trường ĐHTL có nhiều lưu học sinh Lào và Campuchia, các em có bằng kỹ sư thủy lợi nhưng chưa có ai học trên đại học. Năm 1999, nhân dịp được tham gia một lớp học quốc tế tại CHDCND Lào ở Viên Chăn, TS Tiển đã tổ chức một cuộc gặp mặt với các cựu sinh viên Lào, ông thông báo về những đổi mới của trường, về Khoa SĐH và mời các bạn tiếp tục học lên cao. Sau chuyến đi đó, từ năm 2000 lần lượt có nhiều cựu sinh viên Lào đã trở lại trường làm NCS, một trong số đó là NCS Khamphat Sulinphumi đã bảo vệ thành công LATS vào cuối năm 2004 với đề tài "Xây dựng cơ sở khoa học phục vụ bài toán kiểm soát lũ đồng bằng Vientiane (Nước CHDCND Lào)" do GS.TS Trịnh Quang Hòa và PGS.TS Dương Văn Tiển hướng dẫn. Trong lời cảm ơn tân TS Khamphat đã nói: "Sau khi hoàn thành luận án tôi sẽ trở về phục vụ Tổ quốc thân yêu của mình trong lĩnh vực thủy lợi, sẽ xin làm cầu nối cho mối quan hệ đặc biệt Việt Lào...". Năm 2005 TS Khamphat được đề bạt làm Thứ trưởng Bộ Nông Lâm của Lào và phụ trách về thủy lợi.

NCS Khamphat và các bạn Lào thăm hồ chứa thủy điện Hòa Bình

(TS Tiển và NCS Khamphat là 2 người đầu tiên từ phải sang)

Trong chương trình đào tạo cao học của Trường ĐHTL có một môn học là "Phương pháp luận NCKH" đã được đưa vào dạy ngay từ đầu, nhưng vì phải thuê giảng viên và cũng có quan điểm nặng về dạy chuyên môn nên từ khóa 4 đã bỏ đi. Đến năm 2005, với sự góp ý của các chuyên gia quốc tế trong Dự án Danida thì môn học này được đề nghị đưa trở lại với yêu cầu phải đào tạo cán bộ và viết giáo trình theo đề cương của Dự án. Nhận thấy đây là môn học về kỹ năng mềm rất cần cho nhà khoa học nên TS Tiển đã xin đảm nhận. Đúng 1 năm sau, trước khi nghỉ quản lý ông đã cho xuất bản giáo trình này và lập nhóm giảng viên dạy từ Cao học khóa 16(2)...

TS Tiển còn làm Bí thư Chi bộ Khoa SĐH, Đảng ủy viên của Đảng bộ Trường ĐHTL (3 kỳ đại hội và 8 năm liền từ tháng 2/1996 đến tháng 12/2003). Vừa làm quản lý ông vừa tham gia giảng dạy các lớp chuyên đề, vừa hướng dẫn luận văn Thạc sĩ cho các HVCH, đặc biệt trong thời gian ấy ông đã hướng dẫn 8 NCS bảo vệ thành công LATS mà ở thời đó không phải ai cũng làm được. Với thành tích trên TS Tiển nhiều năm liền được trường công nhận là giảng viên dạy giỏi và chiến sĩ thi đua, Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen năm 1999, Huân chương lao động hạng 3 của Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam năm 2005 và nhiều Huy chương cao quý.

Từ tháng 4 năm 2006 TS Tiển bước sang tuổi 61, có nhiều trường đại học và cao đẳng mời ông đến làm quản lý và giảng dạy, nhưng ông chỉ nhận lời với Trường ĐHTL tiếp tục về Bộ môn TVCT thêm 4 năm để dạy môn TVCT cho sinh viên và "Phương pháp luận NCKH" cho HVCH và NCS. Đầu năm 2009 ông chủ động viết đơn xin được nghỉ hưu trước 1 năm để nhường chỗ cho thế hệ tiếp theo vào trường. Nghỉ hưu TS Tiển về quê hương, một mặt ông hòa nhập rất nhanh vào đời sống ở đây (sẽ nói ở phần 2), một mặt ông vẫn cộng tác với trường khi bộ môn bận PVSX hoặc đồng nghiệp trẻ cần đi học nâng cao ông đều sẵn lòng hỗ trợ (chủ yếu dạy ở xa Hà Nội) cho đến khi bước sang tuổi 71. Cả cuộc đời TS Tiển chỉ có một nghề và một nơi công tác là Trường ĐHTL.

TS Tiển xây dựng gia đình ở quê năm 1975 và có 3 người con. Các cháu đều sống với mẹ và ông bà tại quê, khi lớn mới ra Hà Nội. Hai người con trai đều theo nghiệp của bố. Con trai trưởng Dương Đức Tiến nhận bằng Tiến sĩ tại Đại học Vũ Hán Trung Quốc năm 2009, được phong hàm Phó giáo sư năm 2015 và hiện là Phó trưởng Bộ môn Công nghệ và quản lý xây dựng. Người con út là Dương Đức Toàn học Thạc sĩ tại Hà Lan, bảo vệ luận án Tiến sĩ tại Đại học Kyoto Nhật Bản năm 2015, hiện là giảng viên Bộ môn Công trình biển (Ảnh 4).   

Bây giờ trên chốn cao xanh, hương hồn Cụ đồ Triện có thể vui lòng với đứa cháu đích tôn mà cụ chọn chữ đặt tên là “Tiển” - GVCC.PGS.TS Dương Văn Tiển xứng đáng là kim loại quý như vàng và luôn biết vươn lên phía trước như lòng mong mỏi của tiền nhân.

2- Khi Tiến sĩ về làng

a- Tâm huyết với công tác khuyến học - khuyến tài

Khuyến học - khuyến tài (KH-KT) là phong trào quần chúng rộng rãi. Song, yếu tố nền tảng và vững chắc nhất bao giờ cũng xuất phát từ mỗi gia đình, mỗi dòng họ. Sự chủ động và khơi dậy truyền thống hiếu học của mỗi gia đình, mỗi dòng họ sẽ là động lực quan trọng trong việc nhân rộng phong trào KH-KT ở mỗi địa phương và là nền tảng để xây dựng xã hội học tập.

Họ Dương Việt Nam (HDVN) luôn đồng hành cùng trăm họ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Phát huy truyền thống hào hùng đó, ngày 22/3/1992, tại số nhà 48 Nguyễn Thái Học Hà Nội đã thành lập Ban liên lạc HDVN và nay được gọi là Hội đồng Họ Dương Việt Nam (HĐHDVN). HĐHDVN đã qua 7 kỳ đại hội, đã xây dựng Điều lệ HDVN và xác định KH-KT là nhiệm vụ trọng tâm. Ban KH-KT được thành lập ở cả 4 cấp (toàn quốc, tỉnh, huyện và chi họ), Chủ tịch HĐHD và trưởng tộc là Trưởng ban KH-KT.

Từ năm 2012, được sự tài trợ của ông Dương Công Minh (người Quế Võ, Bắc Ninh - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Him Lam và Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt), người sáng lập và tài trợ Quỹ KH-KT của HDVN mỗi năm nhiều chục tỷ đồng. Văn phòng HĐHDVN có trụ sở tại 22 Đường Lý Thái Tổ, Tp Bắc Ninh. Khi biết TS Tiển hưu trí tại Yên Phong, ông Chủ tịch HĐHDVN đã mời ông tham gia các chức vụ sau: Ủy viên HĐHDVN, Ủy viên thường trực kiêm Phó ban KH-KT HĐHD Kinh Bắc (gồm Bắc Ninh, Bắc Giang và các xã lân cận), Phó chủ tịch HĐHD Châu Cổ Pháp (gồm 2 huyện Từ Sơn, Yên Phong và xã Bồng Mạc ở Mê Linh) và phụ trách Chi họ Dương thôn Yên Tân. Ông thường xuyên có mặt ở Văn phòng ngay từ những ngày đầu, được giao chủ biên văn bản "Quy chế KH-KT của HĐHDVN" và là thành viên tích cực trong Ban biên soạn "Điều lệ HDVN" (ban hành 2013). Đây là 2 tài liệu quan trọng và có tính lịch sử cho các hoạt động tiếp theo của HDVN, đặc biệt là công tác KH-KT. TS Tiển là thành viên tham gia các "Lễ hội mùa xuân HDVN" (nay được gọi là "Ngày hội văn hóa mùa xuân HDVN") được tổ chức định kỳ sau Tết Nguyên Đán để khen thưởng các cháu biết vượt khó và có thành tích học tập suất sắc; vinh danh những người thành đạt, có nhiều cống hiến cho dòng tộc và đất nước... TS Tiển vinh dự được là người tuyên đọc bản "Chúc văn của HDVN" trong Lễ hội đầu tiên năm 2014. Cho đến bây giờ kể lại chuyện ấy ông vẫn như sống lại cảm giác lâng lâng khó tả. Mặc y phục dân tộc màu đỏ, mũ đỏ, đi hài đỏ, thắp hương trước bàn thờ Tổ, cứ mỗi câu trong bài chúc văn lại điểm trống chiêng, gần chục ngàn người đứng nghiêm lắng nghe như nuốt từng lời. TS Tiển thầm cảm ơn cuộc đời đã cho mình những giây phút linh thiêng ngập tràn cảm xúc...

Với sự tận tâm ấy, Chủ tịch HĐHDVN nhiều lần gợi ý sẽ trả lương hàng tháng cho ông như các nhân viên của Văn phòng nhưng TS Tiển đã khéo léo từ chối, bởi trong sâu thẳm của lòng mình ông luôn coi đây là việc làm thiện nguyện cho dòng họ, là sự đóng góp rất nhỏ bé mà không thể so sánh với công lao to lớn của các bậc tiền nhân và việc công đức mang đậm triết lý nhân văn "Cho đi là còn mãi" của nhà tài trợ Dương Công Minh.

Năm 2014 Hội Khuyến học Việt Nam đã chủ động phối hợp với HĐHDVN tổ chức Hội thảo "Họ Dương Việt Nam với phong trào KH-KT" tại Thủ đô Hà Nội. TS Tiển trong Ban tổ chức hội thảo và Ban biên tập "Kỷ yếu hội thảo". Kỷ yếu có 47 bài tham luận thì ông trực tiếp viết 4 bài và vợ ông cũng có 1 bài được báo cáo tại hội thảo: "Dâu Họ Dương trong việc xây dựng gia đình hiếu học".

TS Tiển cùng cô giáo Kiều Thị Then thường xuyên đến dự các hoạt động KH-KT của chi họ (cả Dương tộc và Kiều tộc), của thôn và xã nhà. Đến đâu ông bà đều tư vấn và tự nguyện ủng hộ xây dựng "Quỹ KH-KT" của đơn vị tổ chức.

Nhân kỷ niệm ngày cưới bạc (1975 - 2015), để động viên các cháu nội ngoại và xây dựng truyền thống hiếu học của gia đình, ông bà Tiển Then đã xây dựng "Quỹ KH - KT của gia đình" do ông Tiển làm trưởng quỹ này với số tiền ban đầu là 40 triệu đồng từ tiền tiết kiệm của mình. Từ năm học 2015 - 2016, cứ vào năm học mới, đúng ngày 2 tháng 9 là con cháu tập trung về "Tĩnh Gia Viên Dương Tiển - Kiều Then" ở quê để vui vẻ mừng Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam và nhận phần thưởng của ông bà cho kết quả của năm học vừa qua. Ngày 2/9/2018 là lần thứ 3 phát thưởng, đã có 3 cháu đỗ đại học mỗi cháu 1 máy tính, cháu bé nhất cũng được quà.

Chúng tôi vừa biết thêm, việc làm KH-KT của TS Tiển còn lan tỏa xuống tận quê ngoại của ông ở Thái Bình. Mẹ TS Tiển là người Họ Đặng Vũ (một dòng họ lớn có uy tín ở làng Hành Thiện, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định), gia đình bên ngoại thuộc ngành 6 và lập nghiệp tại Tiền Hải, Thái Bình. Ngày 6 tháng Giêng năm Kỷ Hợi 2019 là ngày giỗ Tổ Họ Đặng Vũ Tiền Hải và gia đình ông đã về dâng hương lễ Tổ. Với sự tư vấn của TS Tiển, bà con bên ngoại đã nhất trí xây dựng "Quỹ KH-KT" và thành lập Ban KH-KT do ông trưởng tộc Đặng Vũ Quang (là cháu của TS Tiển) làm Trưởng Ban. Trước anh linh tiên tổ, ông là người đầu tiên ủng hộ quỹ này và hứa sẽ giúp cho Ban KH-KT xây dựng "Quy chế KH-KT Họ Đặng Vũ Tiền Hải".

b- Nhiệt tình với các hoạt động văn hóa - xã hội

Từ khi được hưu trí TS Tiển đã về sống cùng với mẹ già và vợ ở quê nhà. Tại đây, ngoài việc đi dạy học khi Trường ĐHTL mời, ông đã viết bài, làm biên tập, ủng hộ tiền để xuất bản các ấn phẩm văn hóa của địa phương như: "Bài ca người lính" "Tiếng nói quê hương" là 2 tập thơ của CLB thơ Cựu chiến binh thôn Yên Vỹ. Tiếp đó đã đề xuất, làm chủ biên và tài trợ in sách "Hòa Tiến tôi yêu" của xã Hòa Tiến do NXB Thanh niên phát hành năm 2012. "Hòa Tiến tôi yêu" là ấn phẩm thơ văn gần 300 trang viết về văn hóa và địa chí của xã Hòa Tiến. Huyện Yên Phong có 14 đơn vị cấp xã thì Hòa Tiến là đơn vị đầu tiên có quyển sách viết về mảnh đất và con người nơi đây.   

Đối với bạn bè TS Tiển là người tình nghĩa, nhiệt thành, sẵn lòng vun đắp cho tình bạn, luôn nở nụ cười thân thiện như đóa hoa thắm sắc thơm hương. Hai khóa học sinh đầu tiên của Trường cấp 3 Yên Phong (ra trường năm 1966 và 1967) thành lập "Hội bạn học khóa I+II" từ năm 1985, mỗi khóa có 2 lớp và gần 100 bạn tự nguyện tham gia, đã có trên 30 lần gặp mặt và vẫn duy trì cho đến hôm nay. Cứ đến ngày 20 tháng 11 là các hội viên lại cùng nhau về thăm hỏi các thầy cô giáo cũ, rồi ngày gặp mặt đầu năm của Hội đều tìm đón các thầy cô đến dự và tặng quà... TS Tiển là cựu học sinh khóa 2, ông là Hội phó thường trực và nhân tố tích cực trong các hoạt động của Hội. Ông cũng là người đã đề xuất và tham gia biên tập ấn phẩm thơ văn "Mái trường quê hương" nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập Trường cấp 3 Yên Phong. Quyển sách dày 320 trang và có nhiều ảnh tư liệu in mầu do Nhà xuất bản Văn học phát hành năm 2013, là 1 trong 4 món quà lưu niệm quý của Hội tặng trường.

Vốn là người yêu thích văn chương nghệ thuật, năm 2009 về quê đúng vào lúc tỉnh Bắc Ninh được tổ chức Unesco công nhận Dân ca quan họ là loại hình văn hóa phi vật thể của nhân loại và TS Tiển được mời tham gia CLB quan họ xã Hòa Tiến. Ông và gia đình đã 2 lần mời các nghệ nhân quan họ làng Diềm (Thủy Tổ Vua Bà) đến biểu diễn xông nhà trong dịp Tết đến Xuân về và mời toàn bộ CLB quan họ xã Hòa Tiến đến giao lưu tại tư gia. Dù chưa được luyện tập và không có năng khiếu về hát, nhưng Tiến sĩ mê xem hát, sự ứng xử lịch lãm của người quan họ, những ca từ trữ tình duyên dáng, đằm thắm tình yêu lứa đôi như men rượu nồng ngấm vào máu thịt của ông... Xuân Kỷ Hợi 2019, kỷ niệm 10 năm thế giới vinh danh dân ca quan họ, tỉnh Bắc Ninh phát động cuộc thi thơ với chủ đề "Mùa Xuân quan họ", TS Tiển được trao giải ba với bài thơ "Tình yêu quan họ" và được mời lên giao lưu trong "Ngày thơ Bắc Ninh 2019" tại Tp Bắc Ninh.

Cứ thế tình yêu đối với quan họ nhen lên trong lòng TS Tiển ngọn lửa đam mê thơ ca. Ở môi trường văn hóa này ông lại có thêm biết bao bạn bè lịch lãm, chân quê để mà “tứ hải giao tình”. TS Tiển cũng đã cho ra mắt thi phẩm “Thơ hái dọc đường” với 95 bài viết về quê hương, gia đình, mái trường và bè bạn. Với thơ, ông biết hái những bông hoa hương sắc trên đường, làm cho cuộc đời thêm đẹp thêm vui.

TS Tiển đã gia nhập CLB thơ Yên Phong ngay từ năm 2010, do được quý trọng và tín nhiệm, ông được bầu làm chủ nhiệm CLB từ năm 2016. Ông làm chủ biên "Thơ Như Nguyệt" các tập 11, 12, 13 của CLB và hàng năm đều tổ chức “Ngày thơ Yên Phong” vào 18 tháng 2 âm lịch, tương truyền đó là ngày Thái úy Lý Thường Kiệt đọc bài thơ thần "Nam Quốc Sơn Hà" vào mùa xuân 1077 trên chiến tuyến Như Nguyệt và đã đánh tan 30 vạn quân xâm lược Tống tại đây.

TS Tiển cũng nhận lời tham gia CLB thơ Văn Môn, ở đây ông là Phó chủ nhiệm và Trưởng ban biên tập. TS Tiển đã dành thời gian cả tháng trời ra tận Hà Nội để giúp nhà tài trợ Mẫn Ngọc Anh (Chủ tịch Tập đoàn HANAKA) cùng NXB Văn hóa Thông tin cho ra mắt tập thơ "Vang vọng nguồn cội". Năm 2014 xuất bản tập 1 dày 236 trang khổ A4, in 3.000 bản, toàn bộ in mầu trên giấy ảnh. Năm 2015 xuất bản tập 2, in 2.000 bản, mỗi bản 360 trang cũng chất lượng như trên. CLB thơ Văn Môn phối hợp với Hội thơ Đường Việt Nam cùng nhà tài trợ tổ chức 3 kỳ thi thơ, TS Tiển cùng cô giáo Then đều gửi thơ dự thi, hai ông bà đã nhận được 4 giải thưởng tại các lễ hội thơ này (1 giải nhất, 1 giải ba và 2 giải khuyến khích).

Do cả 2 nhà giáo đều có sở thích thơ ca nên cứ vài tháng một lần “Tĩnh gia viên Dương Tiển - Kiều Then” lại vui vẻ họp mặt bạn thơ đến giao lưu, trao đổi, đọc cho nhau nghe những bài thơ mới sáng tác, thưởng thức hương sen trước nhà và “nẩy tứ” làm thơ.

TS Tiển cũng là người dễ hòa đồng với xóm làng, họ mạc, các cụ cao tuổi và những người bạn thời chăn trâu cắt cỏ. Nếu ai có dịp đến thăm làng Yên Tân hôm nay và ghé thăm đình chùa của làng cũng “tố hảo” không kém các làng khác của Yên Phong. Năm 2017 dân làng làm mới ngôi Tam Bảo Chùa làng và năm 2018 tiếp tục tu bổ tôn tạo ngôi tiền tế Đình làng đều bằng nguồn vốn xã hội hóa. TS Tiển và gia đình đã tích cực tham gia từ khâu chuẩn bị, đến thiết kế và xây dựng. Dân làng quý trọng ông và bầu ông vào Ban kiến thiết Đình Chùa của làng, giao cho ông soạn thảo thông báo, thư ngỏ kêu gọi hướng tâm công đức và đi vận động các gia đình hảo tâm để tài trợ cho các công trình xây dựng hàng mấy tỷ đồng này... Với thành tâm ấy, khi Đình Chùa được xây dựng xong, TS Tiển đã được dân làng mời đánh chiêng trống trong lễ Đình làng được nhà nước công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh; đại diện cho các nhà tài trợ lên nhận bằng công đức và phát biểu trong lễ cắt băng khánh thành ngôi Tam Bảo Chùa làng.

3. Thay cho lời kết

Ở huyện Yên Phong có đến dăm chục người được học tập và rèn luyện ở Trường ĐHTL. Là huyện nông nghiệp úng lắm hạn nhiều nên các kỹ sư Thủy lợi về đây đều được trọng dụng, nhiều người trong số họ trở thành cán bộ chủ chốt của huyện, của tỉnh. Thỉnh thoảng thầy trò có dịp gặp nhau ai cũng có chung nhận xét: Thầy Tiển là một người nhiệt huyết, giỏi về chuyên môn, tận tình giúp đỡ học sinh và có tình cảm đặc biệt với quê hương. TS Tiển đã để lại 2 dấu ấn: Giúp Công ty KTCTTL Bắc Đuống xây dựng phòng máy tính gắn với "Phần mềm trợ giúp điều hành hệ thống Ngũ Huyện Khê chống lũ và tiêu úng" do ông làm chủ nhiệm dự án (năm 2001); Kỹ sư Nguyễn Song Dũng người ở Quả Cảm (thuộc Yên Phong cũ), cựu sinh viên lớp 15V Khoa Thủy Văn, công tác ở Sở Khoa học Tp. Hà Nội, đã hơn 7 năm theo đuổi làm NCS mà vẫn dở dang chưa đâu vào đâu do phải thay đổi đề tài, ông cùng TS Đoàn Trung Lưu (Bộ môn TVCT) nhận hướng dẫn và động viên NCS Dũng quyết tâm vươn lên, tròn một năm sau đã bảo vệ thành công LATS (năm 2004). Trong các bài giảng của thầy như "có lửa" nên ai được học thầy đều say mê với nghề thủy lợi...

Ông Nguyễn Văn Chiến quê xã Hòa Tiến, nhiều năm công tác tại Huyện ủy Yên Phong, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy Bắc Ninh, Hội trưởng "Hội bạn học khóa I+II cấp 3 Yên Phong" có nhận xét rất chí lý: Khi Tiến sĩ về làng, niềm đam mê của ông đã làm cho văn hóa làng quê thêm tưng bừng khởi sắc, là gia đình văn hóa hiếu học tiêu biểu, với dòng họ nhiệt huyết “truyền lửa” và say mê với công tác KH-KT... Ngoài khoa học ra Tiến sĩ còn để lại nhiều tác phẩm quý về văn hóa cho quê hương Yên Phong. GVCC.PGS.TS Dương Văn Tiển tiêu biểu cho lớp trí thức mới ở quê tôi.

Với TS Tiển, dù ở Trường ĐHTL hay những năm tháng hưu trí ở quê hương, ông đều trọn vẹn với hai nửa yêu thương của mình.

                                                                                                        Thị trấn Chờ, tháng 5 năm 2019

Nghiêm Đình Thường - Nhà báo

Phó chủ tịch thường trực Hội khuyến học Yên Phong, Bắc Ninh

1- Học sinh A1 có điểm tổng kết các môn đều đạt 5 điểm (là điểm số cao nhất thời đó).

2- Môn học "Phương pháp luận NCKH" do Bộ môn TVCT quản lý và nhóm này gồm 4 thầy: Dương Văn Tiển (trưởng nhóm), Vũ Minh Cát, Lê Văn Ước và Trần Mạnh Tuân.