“Tôi, Nguyễn Cảnh Cầm, năm sinh 1937, học tại Đại học Bách Khoa (Khóa I, 1956-1961) được phân công về Học viện Thủy lợi và điện lực (lúc đó bao gồm “Trường Đại học Thủy lợi” và “Viện nghiên cứu Khoa học Thủy lợi”) và nay là Trường Đại học Thủy lợi”.
Tôi, Nguyễn Cảnh Cầm, năm sinh 1937, học tại Đại học Bách Khoa (Khóa I, 1956-1961). Do trường mới thành lập nên cơ sở vật chất và nguồn lực chưa đủ, vì thế toàn bộ sinh viên của Trường Đại học Bách Khoa được phân về các cơ sở khoa học kỹ thuật. Và đặc biệt, là về các trường đại học mới thành lập từ cuối năm 1959 để tự bồi dưỡng và làm việc tại cơ quan mới.
Tôi được phân công về Học viện Thủy lợi điện lực (lúc đó bao gồm “Trường Đại học Thủy lợi” và “Viện nghiên cứu Khoa học Thủy lợi”) và nay là Trường Đại học Thủy lợi.
Cuối năm 1959 do cơ sở vật chất của Học viện Thủy lợi điện lực chưa hoàn thành nên chúng tôi phải về ở nhờ và dạy học lớp chuyên tu tại Trường Trung cấp Thủy lợi ở thị xã Hà Đông. Năm 1960, Trường mới tuyển sinh Khóa II tại cơ sở Đống Đa – Hà Nội (Khóa I sinh viên Thủy lợi học tại Đại học Xây dựng)
Tôi tham gia giảng dạy tại Đại học Thủy lợi từ khi trường thành lập (1959) cho tới khi nghỉ hưu (2002). Theo quy chế, sau tuổi nghỉ hưu chính thức, mọi người không làm công tác quản lý.
Khi trường mới thành lập, cán bộ còn ít nên chưa có bộ môn Thủy lực riêng mà chung với bộ phận Thủy nông. Sau đó vài năm, khi đã bổ sung một số thầy giáo dạy môn Thủy lực thì bộ môn Thủy lực mới được chính thức thành lập và tồn tại cho tới hôm nay, tôi được cử làm trưởng bộ môn.
Trong những năm đầu, môn Thủy lực chưa có giáo trình bằng tiếng Việt, tôi đã cố gắng biên soạn bộ giáo trình riêng cho trường. Sau vài năm, Bộ Giáo dục có chủ trương biên soạn bộ sách Thủy lực gồm 2 tập, dùng chung cho các trường đại học kỹ thuật có liên quan tới quy luật chuyển động của dòng nước trong tự nhiên. Tôi và GS.TS Vũ Văn Tảo (Trường Đại học Xây dựng) được giao chủ biên bộ sách này và có một số thầy giáo khác cùng tham gia biên soạn. Hiện nay, bộ sách đó vẫn còn được các trường đại học kỹ thuật sử dụng. Đi cùng 2 tập sách lý thuyết nói trên, tôi còn có thêm 2 tập sách bài tập kèm theo.
Cuối năm 1972, Bộ Giáo dục cử nhiều giảng viên các trường đại học đi làm nghiên cứu sinh ở nước ngoài. Tôi được phân bổ đi Ba Lan. Với nhóm đi Ba Lan, Bộ Giáo dục có kế hoạch cho học viên học 2 ngoại ngữ tại nước sở tại: đó là tiếng bản địa Ba Lan và tiếng Anh trong 2 năm (1973,1974); sau đó mới làm nghiên cứu sinh trong 3 năm (1975-1977). Tôi đều hoàn thành tốt học tập.
Cuối năm 1977, tôi về nước giảng dạy thủy lực và nghiên cứu, tiếp tục được phân công làm Trưởng Bộ môn cho tới năm 1985.
Trước tình hình kinh tế của đất nước lúc đó, Nhà nước ta có chủ trương cử các nhà khoa học và giáo dục đi làm chuyên gia tại các nước châu Phi, tôi khi đó giữ học hàm Phó giáo sư và được cử tới An-giê-ri dạy môn Thủy lực cùng một số môn khác nữa. Tuy đã có 2 ngoại ngữ là tiếng Ba Lan và tiếng Anh nhưng ở An-giê-ri lại sử dụng tiếng Pháp. Bởi vậy tôi đã phải cố gắng rất nhiều. Kết thúc hợp đồng giảng dạy 3 năm tại An-giê-ri, nhờ những đóng góp cho công tác đào tạo ở nơi đây, sự đồng ý của Đại sứ quán và Bộ Giáo dục, tôi ở lại tiếp tục công tác thêm 2 năm nữa, đến năm 1990.
GS.TS Nguyễn Cảnh Cầm (nguồn: Trung tâm di sản các nhà khoa học Việt Nam)
Sau khi về nước, tôi tiếp tục làm việc tại Bộ môn Thủy lực và nhận hàm Giáo sư vào năm 1991. Tôi cũng may mắn được bổ nhiệm làm Trưởng Khoa Thủy nông kiêm Trưởng Bộ môn Thủy lực cho tới năm 1997.
Năm 2002, sau khi nghỉ hưu theo chế độ, tôi vẫn tiếp tục làm việc chuyên môn, chủ yếu là giảng dạy cho các khóa cao học ở trường cũng như ở Cơ sở II tại thành phố Hồ Chí Minh. Đồng thời hướng dẫn một số nghiên cứu sinh làm luận văn tiến sĩ, trong đó có 1 học viên người Campuchia.
Ngoài công việc chính là giảng dạy, NCKH và phục vụ sản xuất tôi cũng rất quan tâm tới các hoạt động ngoại khóa của cơ quan, của khu dân cư và công việc của Công đoàn. Tại Trường Đại học Thủy lợi, tôi có hoạt động trong khối Đảng. Tôi từng giữ chức vụ Bí thư đảng bộ Khoa Thủy nông, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ trường Đại học Thủy lợi.
Gắn bó cả cuộc đời với mái trường Thủy lợi, tôi trân quý con người và tình cảm nơi đây. Hy vọng trường sẽ ngày một phát triển, xứng tầm trong nước và quốc tế!
Bích Việt - Theo GS.TS Nguyễn Cảnh Cầm