(TLU) - Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Xuân Bảo - Người thầy giáo mẫu mực, Người quản lý đức độ vừa có tâm vừa có tầm yêu nghề, trọng đồng đội.
Những ai đã từng học dưới giảng đường Trường Đại học Thủy lợi, hẳn không thể nào quên hình ảnh về một người thầy giáo, một thầy Hiệu trưởng tận tụy với nghề và hết lòng yêu thương sinh viên, đó là thầy Nguyễn Xuân Bảo.
Thầy Nguyễn Xuân Bảo quê gốc ở Xuân Trường-Nam Định nhưng sinh ra mà lớn lên ở quê mẹ Thanh Hóa. Tuổi thơ của Thầy đầy gian khó, chiến tranh và loạn lạc. Thầy đã phải học ở các trường phổ thông khác nhau tại Thanh Hóa, Hà Tĩnh rồi trường Bổ túc Công Nông trước khi vào Đại học. Năm 1956 Thầy trở thành một trong những sinh viên đầu tiên của Trường Bách khoa Hà Nội. Vốn là một người ham học và học giỏi, khi tốt nghiệp ra trường, thầy được phân công về Trường Đại học Thủy lợi, thầy đã coi nghề giáo viên như một “định mệnh” mà suốt cuộc đời thầy theo đuổi và phấn đấu.
Bắt đầu làm công tác giảng dạy từ năm 1961 và trong nhiều năm trực tiếp giảng dạy sau đó (kể cả thời gian làm công tác quản lý), thầy Bảo luôn đạt được chất luợng giảng dạy tốt, có sáng kiến cải tiến. Năm 1965, Thầy đã là tác giả giáo trình in ty pô đầu tiên của trường, 5 năm liền là cán bộ dạy giỏi và 2 năm là Chiến sĩ thi đua. Thầy là một trong 2 cán bộ dạy giỏi đầu tiên của trường. Năm 1966-1970, Thầy học Nghiên cứu sinh ở Rumani và trở thành Phó tiến sỹ khi mới tròn 32 tuổi. Thầy đã từng hướng dẫn khoảng 20 đề cương cho Nghiên cứu sinh nước ngoài, viết 3 cuốn sách chuyên đề, là chủ biên 5 giáo trình đại học và sau đại học, là Chủ tịch Hội đồng chấm và bảo vệ nhiều luận án Phó tiến sỹ, Hội đồng tốt nghiệp Đại học và Sau Đại học, là Phó chủ nhiệm 2 chương trình cấp nhà nước, là chủ nhiệm 2 đề tài cấp Bộ và chủ trì 16 đề tài khác. Kết quả nghiên cứu khoa học của Thầy được công bố trên 17 công trình khoa học. Thầy còn là một biên tập viên cuốn Từ điển Bách khoa Việt Nam. Với những thành tích trong nghiên cứu giảng dạy như vậy, năm 1980 Thầy được phong hàm Phó giáo sư và năm 1991 được phong hàm Giáo sư. Do được sự tín nhiệm của đông đảo các nhà khoa học trong và ngoài ngành, Thầy Nguyễn Xuân Bảo đã được Nhà nước bổ nhiệm 2 khóa liền là Ủy viên Hội đồng học hàm Nhà nước, được bầu làm Chủ tịch Hội đồng học hàm liên ngành Trung ương: Xây dựng-Giao thông-Kiến trúc-Thủy lợi khóa 1990-1995 và hiện nay là Chủ tịch Hội đồng học hàm Trung ương ngành Thủy lợi. Với trọng trách như vậy, thầy Bảo đã có những đóng góp tích cực trong việc xem xét đề nghị Chính phủ quyết định phong hàm đội ngũ giáo sư, phó giáo sư trong cả nước.
Thầy Bảo chụp ảnh kỷ niệm cùng Thầy hướng dẫn trong thời gian làm nghiên cứu sinh (1969)
(ngoài cùng bên trái)
Buổi ký kết hợp tác giữa ĐH Thủy Lợi và ĐH Vũ Hán - Trung Quốc, bắt đầu một giai đoạn mới giữa hai trường sau một thời gian dài gián đoạn
Ngoài ra, Thầy còn là một trong những người sáng lập và Ủy viên ban chấp hành Hội Xây dựng Việt Nam, là Ủy viên Hội đồng sáng lập và Phó chủ tịch Hội kết cấu xây dựng Việt Nam, Ủy viên Hội đồng sáng lập và Phó chủ tịch Hội đồng Thủy lợi Việt Nam.
Ngay thời còn là Trưởng phòng khoa học, năm 1976, Thầy trực tiếp tổng kết công tác lao động sản xuất theo tinh thần Chỉ thị 222 TTg của Thủ tướng Chính phủ và đề xuất loại hình “kết hợp trình độ cao-mô hình nhất thể hóa” đề xuất với lãnh đạo cho ra đời 2 trung tâm “kết hợp giảng dạy-nghiên cứu-thực hành khoa học-kỹ thuật” ở các tỉnh phía Nam. Từ đó đến nay, 2 trung tâm này đã trở thành những địa chỉ thân thiết không những của các thầy cô giáo và sinh viên Trường Đại học Thủy lợi mà còn rất quen thuộc đối với Đảng bộ và nhân dân các địa phương và vẫn tồn tại, phát triển ngày càng có hiệu quả, góp phần đào tạo nguồn nhân lực cho công tác thủy lợi ở các tỉnh phái Nam.
Trong suốt quá trình giảng dạy và 3 năm làm Phó Hiệu trưởng, 18 năm làm Hiệu trưởng Trường Đại học Thủy lợi, với ý thức của một đảng viên, một giảng viên, trong mọi suy nghĩ và hành động, Thầy luôn quán triệt và kiên trì thực hiện sáng tạo có hiệu quả nguyên lý giáo dục của Đảng và của Chính phủ. Thầy là người đầu tiên trong ngành để xướng khái niệm “Kỹ thuật tài nguyên nước” (bởi Thầy nhận thấy cụm từ “thủy lợi” tạo ra cách nhìn phiến diện, không nói lên đầy đủ nội hàm của nó và rất hạn chế trong việc thiết kế hệ thống ngành nghề đào tạo). Đây là một hướng tư duy mới, theo quan điểm toàn diện. Trên nền tảng tư duy này, được sự đồng ý của cấp trên, Thầy đã trực tiếp chỉ đạo tiến hành cải cách giáo dục lần thứ nhất, xây dựng thành công nhóm ngành kỹ thuật tài nguyên nước gồm 4 ngành rộng có tính hệ thống liên hoàn và 9 chuyên ngành được ghi vào hệ thống danh mục ngành nghề chế tạo của Nhà nước từ năm 1984 đến nay. Trong đó khôi phục được 2 ngành Thủy văn và Thủy điện mà trước kia Bộ đại học và Bộ thủy lợi đã cắt bỏ không cho tuyển sinh. Bằng những hoạt động nỗ lực của mình, Thầy đã cùng các đồng nghiệp tạo cho Trường Đại học Thủy lợi có một vị thế mới, góp phần quyết định sự tồn tại và phát triển của trường, tránh được dự định của cấp trên đưa ngành đào tạo cũ của trường về các trường đại học khác với quan niệm Thủy lợi chỉ là biện pháp công trình.
Năm 1995, ngay sau khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ra đời trên cơ sở nhập ba Bộ Nông nghiệp, Thủy lợi, Lâm nghiệp, thầy Nguyễn Xuân Bảo lại tiếp tục chỉ đạo cải cách giáo dục lần thứ 2 trên cơ sở đưa công tác quản lý thủy lợi nước ta lên một tầm cao mới, phát triển bền vững trong môi trường mới: Đất – Nước – Rừng gắn kết hữu cơ trong một nền nông nghiệp sinh thái, đồng thời coi trọng hơn nữa vai trò thủy lợi với tư cách là kỹ thuật xây dựng cơ sở hạ tầng, là một ngành kinh tế nước. Từ ý tưởng táo bạo đó, trên cơ sở kế thừa các ngành hiện có, Thầy đã chỉ đạo Nhà trường xây dựng thành công một cơ cấu hệ thống ngành nghề mới gồm 9 ngành và 20 chuyên ngành đào tạo, đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chấp nhận. Với kết quả này, Thầy đã góp phần công sức quan trọng vào việc tạo ra định hướng phát triển lâu dài của một trường Đại học đầu ngành về lĩnh vực tài nguyên nước, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và phát triển nông thôn ở những thập kỷ đầu của thế kỷ 21.
Thầy Bảo với Phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm nhân dịp đến thăm trường năm 2000
Thầy Nguyễn Xuân Bảo không chỉ được mọi người kính trọng vì sự đầu tư trí tuệ để phát triển trường, có nhiều chủ trương và kiến nghị đúng đắn để tạo dựng ra một trường đại học có tầm cỡ và quy mô lớn như hiện nay, Thầy còn được mọi người yêu mến vì sự hết lòng quan tâm đến sinh viên, chân thành với bạn bè, đồng chí, đồng nghiệp. Thầy là một tấm gương sáng vì đã giữ được “cái đức trong quản lý, cái tâm trong các quan hệ”. Nhà trường có hơn 500 cán bộ, giảng viên, công nhân viên gồm 29 đơn vị nhưng luôn là một tập thể đoàn kết, quan tâm đến nhau mà thầy Bảo luôn là trung tâm, là nơi điều hòa các mối quan hệ làm cho tập thể lớn này ngày càng gắn bó.
Trên cương vị Hiệu trưởng kiêm Bí thư hoặc Phó Bí thư Đảng ủy, thầy Nguyễn Xuân Bảo đã trực tiếp chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ giảng dạy và cán bộ quản lý. Hiện nay, 45% số cán bộ giảng dạy của trường có trình độ Thạc sỹ trở lên, 18% có học hàm Giáo sư, Phó Giáo sư. Đối với lớp trẻ, Thầy luôn nâng đỡ, bồi dưỡng, tạo điều kiện giúp họ tiến bộ. Thầy là người có nhiều công lao đóng góp trong việc bồi dưỡng các chuyên gia trẻ.
Cùng với tập thể Đảng ủy và Ban giám hiệu, Thầy đã sớm đưa ra chủ trương quản lý nhà trường nghiêm túc theo cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ. Thầy đã cho xây dựng một hệ thống văn bản pháp quy đồng bộ, hình thành một hành lang pháp lý nội bộ tạo thế ổn định, trật tự kỷ cương và an ninh chính trị trong nhà trường. Riêng từ năm 1994 đến nay, nhà trường đã ban hành 20 văn bản nội bộ trong đó có bản quy trình hóa và dân chủ công tác quản lý của Nhà trường, được Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá là một trường có nề nếp quản lý tốt nhất.
Thầy Bảo tại Rumani năm 1997
Thầy Nguyễn Xuân Bảo là một cán bộ lãnh đạo luôn chăm lo đời sống cho cán bộ giảng viên và sinh viên. Trước tình hình khó khăn về nhà ở, năm 1989, Thầy đã chủ động đề xuất thực hiện phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” xin phép Thành phố và Bộ cho Trường huy động vốn của cán bộ, công nhân viên để cái tạo nâng cấp nhà cấp 4, nhà tập thể thành căn hộ khép kín phân phối cho các hộ, giáo viên trong trường, được Bộ đánh giá là giải pháp tình thế có sáng tạo, được anh chị em trong trường hoanh nghênh, phấn khởi và yên tâm công tác. Thương những học trò nghèo của mình, trước sự bung ra của muôn hình vạn trạng các quán xá, trong khi không ít trường đã thả lỏng cho tư nhân kinh doanh, Thầy vẫn kiên quyết duy trì nhà ăn tập thể cho sinh viên, nhằm giảm bớt khó khăn cho sinh viên, đặc biệt sinh viên nông thôn, miền núi. Thầy cho cải tạo ký túc xá, cải tạo sân chơi và tạo mọi điều kiện để sinh viên tiếp cận được với văn hóa xã hội. Thầy đã làm tất cả cho sinh viên bằng trái tim một người cha, người anh đôn hậu.
Cuộc đời nhà giáo của thầy Nguyễn Xuân Bảo mà một quãng thời gian rất dài gắn bó với những bước đi thăng trầm của Trường Đại học Thủy Lợi. Thầy đã được nhà nước tặng 2 Huân chương Lao động và những danh hiệu cao quý khác, nhưng điều làm thầy vui và hạnh phúc hơn cả, đó là đã đóng góp sức lực của mình vào việc trồng người để khai nguồn tài nguyên làm giàu đất nước.
Bích Việt - trích từ “Những gương mặt tiêu biểu thời kỳ đổi mới” của Bộ NN & PTNT do Nhà xuất bản Lao động phát hành