(Ghi theo lời kể của Kỹ sư Thủy lợi Nguyễn Thị Huyền)
Nghiêm Đình Thường
Năm 2024 này, Kỹ sư Thủy lợi Nguyễn Thị Huyền (cựu sinh viên lớp 9C1 khóa 1967-1972 của Trường Đại học Thủy Lợi) vừa tròn 76 tuổi, đã lên chức bà, chức cụ cả rồi. Thế nhưng danh xưng “Cô Huyền Thủy lợi” từ khi đi công tác đến lúc nghỉ hưu 2003 và hiện nay vẫn rất thân thuộc với cán bộ và nhân dân Yên Phong. Danh xưng ấy cũng tự hào lắm chứ, vậy tôi cũng xin gọi là Cô Huyền cho thân tình, gần gũi.
1. Tuổi thơ và mái trường Đại học Thủy lợi.
Cô Huyền sinh năm 1948 ở thôn Phú Mẫn, Thị trấn Chờ (huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) trong một gia đình giàu truyền thống văn hóa và cách mạng. Nhà có 5 anh chị em, Huyền là con gái thứ 3, nên vất vả lắm. Bố vừa làm ruộng vừa tham gia công tác xã hội, có thời kỳ làm Trưởng Công an xã. Mẹ có gánh hàng rau, bán ở chợ Chờ, chị gái cả đi lấy chồng, anh trai đi học xa, dưới còn hai em nữa. Thành thử viêc nhà, trăm dâu đổ đầu tằm, dồn hết cả vào Huyền. Đi học, chăn trâu cắt cỏ, cơm nước hàng ngày rồi còn tham gia "HTX Măng non Phú Mẫn"(1), là lứa xã viên đầu tiên, chăm sóc con trâu của HTX lúc nào cũng béo khỏe. Vào ngày nghỉ còn đi cấy với HTX, luôn được chấm công điểm cao nhất. Nếp nhà hiếu học, thời gian trôi đi, nhà cô Huyền có tới 4 anh em tốt nghiệp đại học chính quy ngay từ trước năm 1982. Thật là hiếm có ở quê tôi.
Tháng 6 năm 1967, tốt nghiệp cấp III, thời ấy không phải thi vào Đại học, cô Huyền có ước mơ vào Học viện Nông nghiệp, để sau này về phục vụ bà con nông dân quê mình, mà sao lúc giấy gọi nhập học lại là của Trường ĐHTL. Lòng se sắt buồn, nhưng được bố an ủi: "Đồng đất quê mình lồi lõm lắm. Thiên nhiên ở Yên Phong khắc nghiệt lắm. Vừa mưa đã úng, mới nắng đã hạn, mùa màng năm được năm mất, nhân dân sống gieo neo. Để cho dân được sống mát mặt, Đảng đã nêu khẩu hiệu “Thủy lợi, thủy lợi và thủy lợi” đấy, nay con được vào học Trường ĐHTL là hợp ý bố rồi!".
Tháng 9 năm1967, áo nâu, chân dép lốp, đầu đội mũ rơm, vai khoác ba lô... cô Huyền đã đến cây Đa làng Dùm ở núi rừng xã Nghĩa Phương huyện Lục Nam (tỉnh Bắc Giang) nơi Trường ĐHTL sơ tán để nhập học và được xếp vào lớp 9C1 (khóa 9 - Khoa Công trình ở Bãi Lão). Cùng học khóa 9 với cô ở Yên Phong còn có Nguyễn Quang Khoát (xã Trung Nghĩa, lớp 9C1), Nguyễn Đình Động (xã Trung Nghĩa, lớp 9N2 - Khoa Thủy nông ở Ao Sen), Chu Văn Bẩy (xã Yên Phụ, lớp 9Đ - Khoa Thủy điện), Dương Văn Tiển (xã Hòa Tiến, lớp 9N2 - sau này là GVCC của Bộ môn TVCT và Trưởng khoa SĐH) v.v... (xem Ảnh 1/Tr 2).
Kỷ niệm những năm học dưới mái Trường ĐHTL thời chiến tranh chống Mỹ khắc sâu vào tâm khảm, thỉnh thoảng gặp gỡ bạn bè, lại sống dậy dâng trào. Nào là làm nhà để ở, đào giao thông hào để trú ẩn, vào rừng chặt gỗ, tre, nứa đóng bè đi đường suối về làm lớp học. Những chuyến đi thực tề ở hồ chứa Cấm Sơn (huyện Lục Ngạn) không thể nào quên được. Cơ duyên thế nào, năm 1967 có đơn vị bộ đội về tuyển quân tại Thị trấn Chờ, thiếu úy Nguyễn Ngọc Kim (quê ở La Sơn, Bình Lục, Hà Nam) được phân công ở nhà cô Huyền. Biết cô Huyền học ở huyện Lục Nam, người lính trẻ đã có lần cất công từ nơi luyện quân ở rừng núi Mai Sưu đã đến tận lớp 9C1 của cô Huyền ở xóm Bãi Lão thăm hỏi. Gốc đa làng Dùm đã chứng kiến hai người trò chuyện, rồi cảm mến nhau từ đó và sau này họ đã nên vợ nên chồng (xem Ảnh 2/Tr 2). Đám cưới đặc biệt được tổ chức đúng ngày mồng 2 Tết năm 1972 ở làng Phú Mẫn, để ăn Tết xong thì chồng cô đi vào chiến trường B...
Sau 3 năm được dân xã Nghĩa Phương đùm bọc, đầu năm thứ 4 tình hình yên ổn, Trường ĐHTL rút về Hà Nội, thì đầu năm 1972 trường lại sơ tán về xã Hoàng Vân và Hoàng Thanh huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang). Ở nơi này cô Huyền cùng các bạn đồng khóa làm đồ án tốt nghiệp và ra trường. Huyền nhận công tác tại Ty Thủy lợi Hà Bắc và được biên chế ở Ban quản lý đê điều. Những năm này lũ lụt liên miên, khi đi chống tràn đê ở huyện Quế Võ, khi lại về đắp đê sông Ngũ Huyện Khê ở quê mình.
Tháng 10 năm 1979 do phân cấp quản lý đê cho cấp huyện, đích thân ông Nguyễn Văn Hồng Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Phong lên Sở Thủy lợi xin Kỹ sư Huyền về huyện công tác. Khi ấy chồng còn đang chiến đấu ở nước bạn Lào, cô viết bức thư dài cho chồng, xin phép anh được thỏa mãn khát vọng về quê hương phục vụ, dẫu biết rằng điều kiện làm việc ở huyện sẽ khó khăn gấp nhiều lần so với ở tỉnh. Về huyện cô có thể thực hiện được ước mong của bố mình ngày xưa lúc tiễn cô đi học.
2. Buồn vui với nghề thủy lợi và chuyện bây giờ mới kể.
Bước vào tuổi 76 cô Huyền đã yếu nhiều rồi. Ngoài việc trông nom con cháu, sớm tối cùng một số phật tử chăm chút cho ngôi chùa Linh Quang của làng Phú Mẫn mỗi ngày thêm tố hảo. Quét chùa, thỉnh chuông, cầu kinh, niệm phật thấy lòng thư thái hơn. Có lẽ vì để ít “vướng bận” cô vẫn sài điện thoại “cục gạch” cho tiện. Tuy vậy, khi gợi về những kỷ niệm buồn vui với cái nghề luôn đánh vật giữa đất và nước vì số phận cả trăm ngàn người, cô kỹ sư già như linh động hẳn lên. Hình ảnh những trạm bơm, những con mương nối dài theo năm tháng, hết mương mềm lại đến kênh cứng, Yên Phong bây giờ “thủy hại vô tai”, những cánh đồng năm đôi ba vụ, người dân no đủ, nụ cười luôn nở trên môi. Kỷ niệm cũ ùa về, cô kể cho nghe những chuyện chưa xa, nhưng nghe như là cổ tích, bởi chuyện ấy là tình cảm, là mồ hôi, là cả nước mắt, là máu thịt của cô...
Năm 1980 -1986 là những năm bước đầu chuyển đổi cơ cấu kinh tế, Phòng Thủy lợi huyện có 8 kỹ sư và 4 trung cấp, không hưởng lương sự nghiệp, thu nhập của cán bộ gắn với những công trình mà Phòng tham gia. Khi ấy các làng quê có phong trào “đổi đất lấy công trình” để đưa điện về nông thôn. Các kỹ sư thủy lợi thiết kế khuôn mẫu, mua sắt thép, xi măng, mua máy trộn, đúc ống tiêu nước, đúc cột điện hạ thế loại 6,5 mét và loại 8 mét để bán cho các thôn làng. Cô Huyền như con thoi, lúc thì mua nguyên vật liệu, liên hệ để bán sản phẩm, chấm công, hạch toán lỗ lãi, chia tiền công cho anh em thủy lợi. Khi ấy khó khăn quá, có ngày chỉ đúc được 2 cái tầm cống, đổ được chục cột điện là cùng, nhưng mọi người vẫn vui vẻ, coi cô Huyền như người chị cả của Phòng.
Khẩu hiệu chiến lược nêu ra mỗi kỳ Đại hội Đảng các cấp: “Thủy lợi là vấn đề then chốt của sản xuất nông nghiệp”, một cuộc chiến đánh vật với bùn đất để đổi lấy "nước bạc, đồng xanh" đã thực sự có hiệu quả. Đến giờ cô Huyền chẳng nhớ nổi mình đã tham gia xây dựng bao nhiêu trạm bơm tưới và tiêu, từ công trình đầu mối Đặng Xá, tiêu vợi nước sông Ngũ Huyện Khê và tiêu úng cho 3.000 ha đồng ruộng, cho đến các trạm bơm tưới tiêu dọc đê sông Ngũ Huyện Khê, dọc đê sông Cà Lồ, dọc đê sông Cầu, kèm theo đó hàng ngàn mét kênh tưới tiêu, giải quyết được hạn và úng hợp lý cho sản xuất nông nghiệp ở huyện Yên Phong. Từ chỗ chỉ có kênh mềm đến năm 2012 đã cứng hóa kênh mương được 39 km. Toàn bộ mặt đê được trải bê tông và giao thông thuận lợi.
Kỷ niệm không bao giờ quên là năm1980 tiến hành xây dựng trạm bơm tưới ở Cầu Găng trên đê Cà Lồ để tưới cho các xã Hòa Tiến, Yên Phụ và Tam Giang. Trong khi đó ở thôn Đoài xã Tam Giang có trên 200 mẫu ruộng ngoài đê, là vùng giáp ranh sông Cà Lồ và sông Cầu. Nắng thì hạn, mưa nước sông lên thì úng, chẳng cấy trồng gì được, chỉ lèo phèo mấy gốc dâu, nên nồi cơm của nông dân vẫn rặt sắn khoai. Theo sự chỉ đạo của huyện, Cô Huyền đã lập dự án đắp con kênh nổi dài 5 km song song với đê Cà Lồ và xây cống cắt ngang đê để đưa nước từ Cầu Găng về vùng đất bãi. Ở vùng bãi này cũng phải đắp đê bao mép sông, đồng thời cũng làm cả mương dẫn nước vào ruộng.
Đầu năm 1989 khởi công, UBND huyện chỉ hỗ trợ tiền làm cống qua đê, còn tất cả là tiền của dân và sức lực của dân. Cô Huyền cùng với dân làng Đoài đánh vật với bùn đất, cả với sự hoài nghi về tính hiệu quả của dự án của một số đảng viên và bà con trong thôn... Đúng 9 tháng trời ròng rã, hết nắng lại mưa, hết những ngày hè nóng như thiêu như đốt, lại là những ngày đông hun hút gió lùa từ mặt sông ùa vào, rét run cầm cập, Cô Huyền ngày nào cũng có mặt ở hiện trường, thôi thì khó khăn cùng chia sẻ, động viên nhau, lúc này chùn nhụt ý chí là hỏng hết... Hình hài của dòng kênh tưới được tôn cao gần với con đê ngày một định hình, những lời dị nghị rồi cũng bay theo gió. Cuối năm dòng kênh hoàn thành, ngày đóng điện đưa nước vào đồng, bà con cứ đi theo dòng nước mà nở từng khúc ruột. Lễ hội mùa xuân năm ấy, làng mở hội 3 ngày, thịt hẳn 3 con trâu để ăn mừng. Trên 200 mẫu đồng bãi hồi sinh đem lại sự no ấm cho bà con làng Đoài và kỹ sư Huyền là thượng khách của làng. Cũng từ dạo ấy, ông Ngô Hữu Dụ, Chủ nhiệm HTX cảm mến đức tính, nết ăn ở của cô Huyền, ngỏ lời nhận là anh em kết nghĩa.
Chuyện đời chuyện nghề có phải lúc nào cũng đầy niềm vui và tiếng cười đâu? Có những chuyện xa xót, chỉ muốn gói kín lại, cứ để thời gian trôi đi, vết thương rồi cũng lên da lên thịt. Sống với nghề và có những lúc vì nghề mà chịu cay đắng, thua thiệt...
Ấy là vào mùa xuân năm1990 sau khi xây dựng trạm bơm Bát Đàn (Trung Nghĩa), huyện xây dựng hệ thống kênh tiêu giải quyết tiêu úng triệt để cho các xã vùng thượng huyện là Yên Phụ, Thị trấn Chờ, Văn Môn, Đông Thọ và Trung Nghĩa. Hệ thống kênh tiêu này, dòng chảy khi đến cống Cầu Tây làng Nghiêm Xá (Thị trấn Chờ) uốn quanh như chiếc vai cầy, chảy lên phía bắc, qua khu vực giáp ranh dân cư của 3 làng Ngô Nội, Tiên Trà và Phù Lưu thuộc xã Trung Nghĩa, rồi sau đó chảy về phía đông, qua cống 14 cửa ở đường 286, đổ vào kênh tiêu của huyện ở Đại Chu, chảy về Đặng Xá sẽ chấm dứt tranh chấp khi mở cống Cầu Tre trong mùa lũ giữa Nghiêm Xá và Phù Lưu.
Dự án được xây dựng, biết bao công lao khảo sát để thiết kế, khi đưa ra lấy ý kiến nhân dân, thì làn sóng phản đối mạnh mẽ nổi lên nhất là 2 thôn Phù Lưu và Tiên Trà. Nào là nước chảy ngược, nào là luồng chảy đâm vào giữa làng, nào là nước chảy ngay trước đình mất thế “tụ thủy” v.v… Biết bao lần Cô Huyền cùng đồng nghiệp họp dân để giải thích thuyết phục rằng đề án dựa trên các số liệu khoa học, có tính thực tiễn cao. Rất thận trọng, đồng chí Bí thư Huyện ủy Ngô văn Pho kiểm tra công tác chuẩn bị, lường trước cả tình huống xấu nhất, một số quần chúng bị kích động, có hành vi chống đối. Ngày khai mạc vẫn trống dong cờ mở, dân công của huyện tập trung quyết tâm đào đắp, nạo vét dòng kênh xong trước mùa mưa. Ngày thứ nhất, ngày thứ hai đi qua bình thường. Ngày thứ ba, dân công vừa mới làm thì một trận mưa bùn chủ yếu nhằm vào cán bộ chỉ huy công trường của Phòng Thủy lợi. Đồng chí Thức Trưởng Phòng, Kỹ sư Huyền và cán bộ theo dõi dự án là ăn bùn nhiều nhất. Suốt từ đầu đến chân bùn đất nhoe nhoét. Lực lượng bảo vệ trong đó có công an vừa tuyên tuyền giải thích, vừa bắt mấy người quá khích, từ đó công việc lại dần êm ả. Vụ lúa xuân năm ấy thôn Phù Lưu thêm được 200 mẫu và thôn Tiên Trà thêm được gần 100 mẫu ăn chắc...
Cách đây hơn chục năm, thôn Tiên Trà trùng tu lại đình chùa. Buổi lễ khánh thành có mời Cô Huyền và lãnh đạo Phòng Thủy lợi về dự. Ông Nguyễn Sĩ Kha lúc ấy làm Chủ nhiệm HTX (sau này làm Bí thư Đảng ủy xã Trung Nghĩa) thay mặt cho dân thành thật có lời xin lỗi với huyện và BQL dự án kênh tiêu Trung Nghĩa, dẫu có muộn màng. Nhìn dòng kênh êm xuôi, sườn kênh được kè đá, mặt kênh được trải bê tông, xe cộ đi lại rộn ràng, Kỹ sư Huyền vẫn dâng trào niềm vui khó tả...
Xã Tam Đa là rốn nước của mấy xã Thụy Hòa, Yên Trung và Dũng Liệt. Mùa mưa đến nước mênh mông, đi lại chủ yếu dùng thuyền nan. Nhà nào nhà ấy đều có chiếc thuyền nan để đi lại, cấy, gặt, đánh cá, thả câu... Vì đất đai lầy thụt, xưa kia làng Phấn Động có tên là làng Đồng Bún. Năm 1993, được sự giúp đỡ của tỉnh, Yên Phong xây dựng trạm bơm tiêu Phấn Động, Cô Huyền được phân công theo dõi dự án. Các con đang tuổi ăn tuổi học, may nhờ có chồng chia sẻ để cô có đủ sức lực và thời gian, mỗi ngày đạp xe 12 km, gắn bó với công trường. Trạm bơm này thuộc loại quy mô lớn của huyện, với 4 máy, công suất 8.000m3/giờ/máy, có khả năng tiêu úng cho 2.000 ha. Cả năm trời ăn, ngủ với Phấn Động nên bà con nơi đây coi Cô Huyền như người nhà. Bây giờ đến đây, bói cũng chẳng tìm ra lấy chiếc thuyền nan nào nữa. Cô Huyền nhớ nhất ngày hội làng tháng 8 năm ấy, cô cùng mấy bạn đồng nghiệp lên chùa dâng hương, trước bức tượng giống như người thật, ở gian bên cạnh, cụ thượng làng vốn là thầy giáo, dẫn giải cho chúng tôi biết: "Đây là tượng quan Đề lĩnh Nguyễn Tiến Cơ, người làng Chi Long xã Long Châu, ngài sống đầu thế kỷ 17, ngài bỏ tiền đắp đê Tràng Cầy kéo dài từ bến đò Cầu Cỏ sông Ngũ Huyện, qua Đại Chu (xã Long Châu) đến Ô Cách (xã Đông Tiến). Đây là công trình phân lũ đầu tiên trong lịch sử của huyện Yên Phong. Nhờ đó người làng Phấn Động mới có bát cơm. Nhớ ơn ấy làng tạc tượng thờ người. Còn bây giờ nhờ ơn Đảng, nhờ huyện, nhờ các cán bộ kỹ sư làm thủy lơi chống úng ngập, ruộng đồng làng Phấn Động mới được như hôm nay...".
Và cụ nở nụ cười vui nói tiếp: “Ơn này phải viết vào lịch sử của làng, của xã để mai sau con cháu còn nhớ tới...". Kỹ sư Huyền và các đồng nghiệp đã thực sự xúc động. Cô Huyền bỗng nhớ lại lời căn dặn của bố ngày cô đi học Trường ĐHTL “Làm sao để cho dân mình được sống mát mặt...” và cô đã thực hiện đúng lời căn dặn ấy.
Năm 2003 cô Huyền nhận quyết định về nghỉ hưu, các con học hành chăm ngoan tiến bộ, đứa thì làm giáo viên, đứa thì là bác sĩ, đứa thì làm ở hải quan, các cháu học tập bố mẹ đức tính chịu khó lam làm, tận tụy vì việc chung và sống trung thực.
Năm 2005 UBND tỉnh Bắc Ninh phê duyệt quy hoạch mở rông đô thị Yên Phong, giai đoạn I triển khai thu hồi đền bù đất 38,6 ha. Ban quản lý dự án được thành lập, Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Thế Nghĩa tìm người có nghiệp vụ, có uy tín, có bản lĩnh để tham gia ban giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị Chờ. Đã 3 lần Chủ tịch đến gặp cô Huyền và cô vui vẻ nhận lời với vai trò giám sát kỹ thuật của BQL thuôc huyện Yên Phong. Thế là cô lại cùng BQL dự án kiểm đếm từng thửa đất, đối chiếu diện tích và lập phương án đền bù. Những buổi họp dân liên miên, trả lời hàng trăm câu khác nhau, tưởng như không có hồi kết. Còn nhớ có lần vào họp với dân thôn Trung Bạn, người thắc mắc nhiều nhất lại là con một đồng chí nguyên là cán bộ chủ chốt của Thị trấn Chờ, không những thế lại lôi kéo thêm một số người dân không nhận tiền đền bù. Cô Huyền vừa giải thích thuyết phục, dân chủ bàn bạc, vừa công khai chế độ bồi thường và kiên quyết thực hiện tiến độ dự án... Ai đã có lần đi qua đô thị Chờ vào thời điểm ấy như ngợp vào sự bề bộn, ngổn ngang của cả một công trường xây dựng. Hình hài dáng vẻ của đô thị mới hiện lên rõ nét từng ngày. Chỗ này là vòng xuyến, nơi có cột đồng hồ. Đây là đường đôi, cạnh đó là công viên và hồ đôi, lá phổi xanh của đô thị. Nơi kia là trường học, là siêu thị… Dọc đường đi cây xanh được trồng, có hàng có lối đúng chủng loại cây, đảm bảo mỹ quan môi trường đô thị mới.
Thấm thoắt thế mà cũng gần 20 năm, lớp người của “dự án” năm xưa lần lượt về hưu cả rồi, thỉnh thoảng gặp nhau ở “ghế đá công viên hồ đôi” đô thị Chờ, mừng cho nhau khỏe chân mạnh tay, vẫn nhắc nhớ kỷ niệm về thời gian khó nhưng đầy tình người và mừng cho nhau con cháu học hành tiến bộ. Những người bạn cùng học ở Trường ĐHTL, đã có một thời công tác tại phòng Thủy lợi Yên Phong như các ông Trần Trọng Thức (lớp 15C1), Nguyễn Tuấn Anh (lớp 18N2), Nguyễn Văn Đạc (lớp 18T), Vũ Văn Nam (lớp 23C1) v.v... cho đến lớp trẻ hôm nay đã có một thời đánh vật với mưa lũ, hạn hán, bùn đất, góp phần làm cho Yên Phong từ huyện nghèo trở thành huyện trù phú giàu có như tên Yên Phong mà tiền nhân đã đặt cho cách đây cả 8 thế kỷ.
3- Thay cho lời kết
Kỷ niêm 65 năm thành lập Trường ĐHTL, Cô Huyền có nhắn gửi điều gì không?
- Tôi nhớ trường cũ và bạn xưa lắm! Ở nơi sơ tán chúng tôi yêu nhau và nên vợ nên chồng. Mái trường đã cho tôi cả bầu trời tri thức khoa học vể thủy lợi, đồng thời cho tôi trái tim yêu thương, đặc biệt là với người nông dân một nắng hai sương, cũng vì hạn hán, úng lụt, mà đói ăn rồi thất học. Làm thủy lợi ở huyện, luôn quan tâm đến lợi ích của dân... Ngày xưa khi đi học thủy lợi chỉ mong làm cho ruộng đồng quê mình không úng, không hạn, bà con mình no cái bụng, ấm cái lòng, kể cả ngày ba tháng tám. Công việc ấy thế hệ chúng tôi đã làm được rồi!
- Bây giờ quê tôi không còn hạn hán và úng lụt nữa, nhưng những dòng sông ngày xưa trong mát, đôi bờ là những làng quan họ, còn nay đang trở thành dòng sông chết, bởi ô nhiễm môi trường do các khu công nghiệp, các làng nghề, trang trại chăn nuôi và các khu đông dân xả thải thẳng ra sông... Dòng sông Tiêu Tương, dòng sông Phật, dòng sông ca hát xưa... cũng đã chết rồi. Ngày nay sông Ngũ Huyện Khê do các nhà máy giấy xả thải mùi nồng nặc, chẳng thủy sinh nào sống được. Sự ô nhiễm này đang lan tỏa xuống dòng sông Cầu và các tỉnh ở vùng hạ lưu... Chúng ta lại đang hứng chịu và bị trả thù ghê gớm của thiên nhiên do sự biến đổi khí hậu. Vì vậy công tác thủy lợi hôm nay vẫn rất cần cho một xã hội phát triển, để con người sống hòa đồng với thiên nhiên.
- Với truyền thống từ "HTX Măng non Phú Mẫn" làng quê tôi hằng năm đã và vẫn đang động viên nhiều con cháu tiếp tục xin vào học Trường ĐHTL và sẽ về phục vụ quê hương... Tôi rất tự hào bởi ở làng tôi đang có một công dân ưu tú, cách đây gần 30 năm cháu là sinh viên ngành công trình thủy lợi, hiện nay đã là nhà giáo và đang là cán bộ quản lý chủ chốt của Trường ĐHTL thân yêu.
- Chúng tôi yêu mến và tin tưởng rằng Trường ĐHTL khi bước vào tuổi 65 với triết lý giáo dục "Chuyên nghiệp - Sáng tạo - Hội nhập - Trách nhiệm"; với hơn 1.200 cán bộ giảng viên (trong đó có hơn 60% có trình độ tiến sĩ trở lên - thuộc tốp đầu của cả nước); với cơ cấu tổ chức gồm 9 Khoa và Trung tâm tại 3 cơ sở đào tạo Bắc - Trung - Nam để hướng đến mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực có năng lực chuyên môn tốt, chuyên nghiệp và sáng tạo trong công việc, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội. Hàng năm sẽ có khoảng 25.000 sinh viên học tại trường và doanh thu từ Khoa học - Công nghệ luôn đạt 50% (sẽ đạt mốc 1.000 tỷ đồng).
Thị trấn Chờ, những ngày tháng 7 năm 2024
- Là tổ chức của Đội TNTP thôn Phú Mẫn gắn với thành tích chăn nuôi trâu bò béo khỏe để cày ruộng cho HTX thời bao cấp (đã được Bác Hồ gửi thư khen ngợi và Chủ tịch nước về thăm).
Thông tin cá nhân của tác giả:
Họ và tên: Nghiêm Đình Thường
Ngày tháng năm sinh: 01 - 02 - 1945
Quê quán và nơi thường trú: Thôn Nghiêm Xá, Thị trấn Chờ,
Huyện Yên Phong, Tỉnh Bắc Ninh
Nơi công tác: Là nhà giáo về hưu trí của Huyện Yên Phong
(là bạn tâm giao với PGS.TS Dương Văn Tiển trong Hội CGC Yên Phong)
Địa chỉ liên lạc: Như trên (nơi thường trú)
Điện thoại: 0988.081.628 và 0833010245
Email: nghiemdinhthuong@gmail.com
Ghi chú: Tác giả cam kết tác phẩm thuộc quyền sở hữu của mình, là tác phẩm chưa từng công bố dưới bất kỳ hình thức nào và không có sự tranh chấp về bản quyền tác phẩm và quyền tác giả
Sau đây là địa chỉ của "Cô Huyền Thủy Lợi":
Nguyễn Thị Huyền
Thôn Phú Mẫn, Thị Trấn Chờ
Huyện Yên Phong - Tỉnh Bắc Ninh
ĐT: 0865 047592