Thơ ca tản mạn

Chùm thơ của PGS.TS Dương Văn Tiển (Nguyên GVCC - Bộ môn TVCT và Trưởng Khoa SĐH)

Bài 1:

CHIẾN CÔNG THẦM LẶNG

(Quý tặng TS Lê Minh Hằng và các đồng nghiệp thủy văn)

 

Hàng trăm trạm thủy văn có ở khắp nơi

Những dãy số nối dài là thước đo cống hiến

Từ núi rừng xa xôi đến miền ven biển

Bước chân người thủy văn đóng dấu những công trình.

 

Trạm thủy văn Đầu Đẳng giũa rừng xanh(1)

“Trạm ba không”: không nước sạch, không đường, không điện

Các anh thức cùng sao trời đo lũ nguồn ập đến

Miệng vẫn cười lấp lánh ánh trăng sao...

 

Những cô gái trạm thủy văn Trung Trang(2)

Thả cá sắt xuống sông đo dòng lưu tốc

Đo lưu lượng, độ mặn, phù sa cửa sông Văn Úc

Thủy triều xuống, lên biết bên lở bên bồi…

 

Cùng đồng hành có em và có tôi

Ta đã học dưới mái trường Thủy Lợi

Nhớ lời Bác năm xưa: "Nước cũng có khi có hại

Nhiệm vụ của chúng ta là làm cho đất với nước điều hòa"(3)

 

Chiến công lặng thầm cho cây trái trổ hoa 

Những dãy số thủy văn đã nói lên tất cả

Người làm thủy văn ngày đêm vất vả

Đổi nước mắt, mồ hôi làm đẹp cho đời. 

 

Sáu mươi nhăm năm một chặng đường dài

Một tổ ấm, một bầu trời khoa học...

Trường Thủy Lợi nơi cho ta có được

Bệ phóng để thày trò cùng nhau bay lên… bay lên…

 

                                                               Yên Phong, mùa hè năm 2024

 

  1. Trạm thủy văn Đầu Đẳng - Hồ Ba Bể của tỉnh Bắc Cạn
  2. Trạm thủy văn Trung Trang ở sông Văn Úc trên hệ sông Thái Bình
  3. Lời Bác Hồ nói chuyện tại Hội nghị Thủy lợi ở Bắc Ninh năm 1959

và được treo trang trọng tại Hội trường lớn của Trường ĐHTL

 

 

 

Bài 2:

 

          HAI TIẾNG THỦY LỢI THÂN THƯƠNG

            (Quý tặng các bạn quê Yên Phong và cùng học ở Trường ĐHTL)

 

                   Yên Phong quê hương tôi

                   Với hai tiếng "Thủy Lợi"

                   Đã ngàn năm mong đợi

                   Tưới "dẫn thủy nhập điền"...

          Mùa lũ nước trắng xóa

          Làng xóm ngập bốn bề

          Tất cả đều lên đê

          Toàn dân chống úng lụt...

                    Có Huyền - Bẩy - Động - Tiển...

                    Theo tiếng gọi quê hương

                    Đã lên tận Lục Nam

                    Vào học Trường Thủy Lợi(1)

          Nhân loại rất cần nước

          Các cụ đã dạy rồi(2)

          Bác Hồ cũng chỉ rõ(3)

          ĐẤT - NƯỚC cần điều hòa!

                   Nhà tôi ba thế hệ

                   Đều lập nghiệp từ đây

                   Bố, con và các cháu...

                   Nối vòng tay dựng xây!

          Chào mừng: "65 năm - Mãi mãi một mái trường"

          Đón tuổi 80 - Sống thảnh thơi, trí sáng lòng trong...

          Được bay giữa trời cao xanh lồng lộng

          Âm vang trong tim: "Hai tiếng THỦY LỢI thân thương".

 

                                                                                    Yên Phong, tháng 7 năm 2024

 

1- Năm 1967: Cô Huyền vào lớp 9C1, Ô. Bẩy lớp 9Đ, Ô Động và Ô. Tiển lớp 9N2...

(Ô Tiển sau này là GVCC Bộ môn Thủy văn công trình và Trưởng khoa SĐH).

2- "Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống"

3- Lời dạy của Bác Hồ khi nói về công tác Thủy Lợi tại Bắc Ninh năm 1959:

"Việt Nam có hai tiếng Tổ Quốc, ta cũng gọi Tổ Quốc là Đất Nước, có đất lại có nước thì mới thành Tổ Quốc, có đất lại có nước thì dân giàu nước mạnh. Nước cũng có thể làm lợi, nhưng cũng có thể làm hại, nhiều nước quá thì úng lụt, ít nước quá thì khô hạn. Nhiệm vụ của chúng ta là làm cho đất với nước điều hòa với nhau để nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng chủ nghĩa xã hội"

 

 

 

 

                        Bài 3:

 

                   MỜI BẠN VỀ THĂM QUÊ TÔI

 

Em hãy về Yên Phong với anh

Bên dòng sông Cầu lơ thơ nước chảy

Có Cà Lồ từ Vĩnh Yên dẫn nước về quê đấy

Và Ngũ Huyện Khê uốn lượn nhập sông Cầu(1).

 

Có một miền quê tên gọi Yên Phong

Miền đất ấy được phù sa bồi đắp

Đây núi, kia rừng, nơi cao, nơi thấp...

Mưa dội, lũ về, bốn phía nước mênh mông.

 

Những con người sống ở đất Yên Phong

Là con cháu Vua Hùng về đây lập nghiệp

Biến đất hoang vu thành bờ xôi, ruộng mật

Đắp đê ngăn lũ, tiêu úng, dẫn thủy nhập điền(2)...

 

Có một miền quê tên gọi Yên Phong

Giặc Tống xâm lăng nơi đây thành chiến tuyến

Từ Ngã Ba Xà đến Thị Cầu, Phả Lại...

Xác giặc đầy đồng, máu nhuộm đỏ dòng sông.

 

Và những người con quê ở Yên Phong

Đuổi Pháp lên Điện Biên làm chiến sĩ

Vượt Trường Sơn vào miền Nam đánh Mỹ

Để Tổ quốc thân yêu thống nhất vẹn toàn...

 

Có một miền quê tên gọi Yên Phong

Thời hội nhập dựng xây khu công nghiệp

Máy đục, máy cưa... làng nghề nối tiếp

Khát vọng vươn lên theo Đảng, Bác Hồ...

 

Có một miền quê tên gọi Yên Phong

Để mãi mãi: An bình và thịnh vượng

Để mãi mãi: Âm vang làn quan họ

Rực sáng tuyên ngôn: "NAM QUỐC SƠN HÀ"(3)!

                                                                  Yên Phong, tháng 7 năm 2024

  1. Quê tôi là: Huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh - có 4 mặt được

bao bọc bởi 3 sông: Cầu, Cà Lồ và Ngũ Huyện Khê.

  1. Yên Phong có nhiều người đã học và làm thủy lợi tại quê hương.
  2. Đó là tên "Bài thơ Thần" - tương truyền của Lý Thường Kiệt

đã vang lên trên chiến tuyến sông Cầu khi đại thắng giặc Tống

và được coi là bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nước ta.

 

 

Bài 4:

          QUA SÔNG ĐUỐNG

 

            (Gửi bạn học lớp 9N2 và làm ở Công ty Thủy nông Bắc Đuống

            "Duyên trăm năm đứt đoạn/ Tình một thuở còn vương" (Đ.P.Tứ))

 

          Mỗi lần qua khúc sông này

          Nước như dừng lại líu tay qua cầu

          Th­ương nhau trầu chẳng bén cau

          Nghĩa tình xin để kiếp sau hãy buồn

          Mỗi người có một cung đờn

          Dây vui thì gảy, dây hờn đừng rung

          Người ơi! Hai chữ thủy chung

          Trăm năm ngắn lắm hãy mừng cho nhau

          Buông tay ngả mũ qua cầu

          N­ước sông vẫn chảy tím màu thời gian...

                                                Yên Phong, một ngày đầu thu năm 2024

 

 

 

 

 

  1. hông tin cá nhân của tác giả:

Họ và tên: Dương Văn Tiển

Ngày tháng năm sinh: 9 - 3 - 1946

Quê quán và nơi thường trú: Thôn Yên Tân, Xã Hòa Tiến, Huyện Yên Phong, Tỉnh Bắc Ninh

Nơi công tác: Là cán bộ hưu trí của Trường ĐHTL

Thông tin về thời gian làm việc và học tập ở Trường: Học lớp 9N2 Khoa Thủy nông (1967 -1972), Giảng viên Bộ môn Thủy văn công trình, Khoa Thủy văn (1972-1989), Trưởng khoa SĐH (từ năm 1990 - 2006) và GVCC của Bộ môn TVCT (từ 2006 - 2016).

Địa chỉ liên lạc: Như trên (nơi thường trú)

Điện thoại: 0377.699.346 và 0913.378.402,

Email: duongvantien@tlu.edu.vn

 

  Ghi chú:

- Tác giả cam kết tác phẩm thuộc quyền sở hữu của mình, là tác phẩm chưa từng công bố dưới bất kỳ hình thức nào và không có sự tranh chấp về bản quyền tác phẩm và quyền tác giả.