Thơ ca tản mạn

Thầy tôi: Nhà giáo Dương Văn Tiển

TS. Đào Thanh Thủy

(Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Bộ Tài nguyên & Môi trường)

Cuộc đời tôi đã may mắn được gặp những người thầy giáo, cô giáo tốt, tận tâm, tận tụy với học trò và yêu thương trò như con cháu, như người thân của mình. Tôi vẫn biết và luôn nhớ ơn công lao của các thầy cô đã dạy dỗ mình nên người như ngày hôm nay. Trong những người thầy đã dạy tôi, giúp đỡ tôi rất nhiều trong việc học sau đại học, tôi đã may mắn được sự dìu dắt hướng dẫn của các thầy rất đáng kính, đó là Cố GS.TS Trịnh Quang Hòa (thầy đã mất năm 2005) và thầy PGS.TS.GVCC Dương Văn Tiển. 

Ấn tượng lần đầu gặp mặt

Năm 1992, tôi được cơ quan cử đi học nghiên cứu sinh (NCS) ở Trường Đại học Thủy lợi (ĐHTL) Hà Nội. Sau hơn 12 năm công tác tại Tổng cục Khí tượng Thủy văn (KTTV), tôi vẫn ao ước được đi học tiếp, cao học hoặc NCS ở nước ngoài, nhưng chưa có dịp may mắn nào. Nay được cơ quan cử đi học NCS trong nước, thực sự ban đầu tôi cũng không mặn mà cho việc học này. Tôi lo ngại việc học NCS trong nước tốn kém vì nhiều tiêu cực và cả chất lượng đào tạo có tốt như học ở nước ngoài không? Nhưng sau, tôi nghĩ lại, tuổi tôi lúc đó cũng đã sắp vượt ngưỡng làm NCS ở nước ngoài, với hoàn cảnh có hai con nhỏ, cần có mẹ chăm sóc, thì việc học NCS trong nước như vậy có lẽ lại phù hợp và là cơ hội tốt cho mình.

Tôi tốt nghiệp trường Đại học KTTV ở Liên Xô, vì thế nên tôi không quen biết thầy cô giáo nào tại trường ĐHTL. Buổi đầu tiên đến Khoa Sau đại học (SĐH) ở Trường để nộp giấy tờ, tôi cùng mấy bạn bên Tổng cục KTTV đã được gặp một số thầy cô, trong đó có một ông thầy dáng người cao hơi mập, nét mặt phúc hậu và luôn cười to sảng khoái. Thầy đón tiếp nhiệt tình, hỏi han thêm chúng tôi và lên ngay lịch học thêm các môn cần thiết để học và ôn thi đầu vào NCS. Đấy chính là Thầy Dương Văn Tiển, Trưởng Khoa SĐH, người thầy mà sau này đã giúp tôi rất nhiều để hoàn thành Luận án Tiến sĩ (LATS). Được gặp thầy Tiển, gặp sự nhiệt tình, chu đáo và cụ thể của thầy, mọi bỡ ngỡ lo ngại trong tôi đã tan biến.

Ôn thi Nghiên cứu sinh

Thầy Tiển đã bố trí cho chúng tôi học ôn thêm các môn: Toán (thầy Nguyễn Văn Huân), Thủy lực (thầy Nguyễn Cảnh Cầm) và Tính toán thủy văn (thầy Ngô Đình Tuấn). Chúng tôi được học với các thầy rất giỏi và dạy rất hay. Sau một thời gian dài đi làm ở một mảng chuyên môn hẹp, chủ yếu là quản lý mạng lưới đài, trạm KTTV trong cả nước, chẳng có tý dính dáng gì đến nghiên cứu hay phải viết lách gì cả, tôi đã quên nhiều kiến thức cơ bản. Có lần thầy Cầm giao bài tập, tôi đọc xong đề bài mà chả hiểu gì cả. Thấy tôi cứ ngồi im, thầy Cầm hỏi: “Cô Thủy sao không làm bài đi?”, tôi trả lời: “Thưa Thầy, hình như em chưa học môn này bao giờ”. Cả lớp đã cười ầm lên trước câu trả lời của tôi. Tôi nghĩ: do mình dốt nát hay là do đã học môn thủy lực này bằng tiếng Nga và nay học lại bằng tiếng Việt nên không hiểu gì cả?. Môn Toán cũng thế, tôi đã rất lúng túng với một lô bài tập, sờ đâu cũng thấy khó quá. Mặc dù thời đi học phổ thông, tôi là học sinh chuyên toán Hà Nội, hồi tốt nghiệp đại học tôi cũng đạt bằng đỏ cơ mà. Thật là xấu hổ vô cùng… Sau nhiều lần lên gân cốt quyết tâm, tôi đã đến Thư viện của trường, mượn 2 cuốn sách Thủy lực, 3 cuốn sách Toán học cao cấp. Phải học, ôn lại cẩn thận thôi. Ngoài những buổi được các thầy ôn luyện dậy, tôi đã tự học thêm từ sách, chăm chỉ làm các bài tập, bài nào không làm được tôi lại mang đến lớp nhờ các thầy giảng giải cho. Sau 6 tháng được các thầy giỏi ôn luyện cho các môn cơ bản về toán và chuyên ngành, nhóm chúng tôi tất cả 7 người đã đỗ kỳ thi vào làm NCS. Xin trân trọng cảm ơn các thầy. Những kiến thức thu được của ngày tháng ôn thi hồi đó thực sự bổ ích cho tôi, kể cả khi làm LATS cũng như giúp cho công việc sau này.

Thầy hướng dẫn tôi làm NCS

Sau khi đỗ đầu vào làm NCS, chúng tôi được thầy Tiển cho phép tự đề xuất đề tài, đưa ra hướng sẽ nghiên cứu và được tự lựa chọn các thầy/cô hướng dẫn làm LATS. Mọi người cùng khóa NCS với tôi hầu như đều đã có sự chuẩn bị. Riêng tôi, hướng nghiên cứu không có và lựa chọn thầy hướng dẫn cũng không có nốt. Lúc đó thầy Tiển đã hỏi tôi: “Hay là em làm NCS do tôi hướng dẫn nhé?”. Tôi mừng rỡ và đồng ý ngay. Thầy Tiển đã là Người hướng dẫn 1 (HD1) và thầy Trịnh Quang Hòa là Người hướng dẫn 2 (HD2). Hai thầy đã bàn bạc và đưa ra các vấn đề cần thiết để tôi làm quen với việc nghiên cứu khoa học (NCKH) và lựa chọn đề tài LATS là "Vận dụng mô hình toán trong nghiên cứu cân bằng nước vùng đồng bằng sông Hồng".

Thầy Hòa khi đó đang tham gia nhiều dự án lớn, có sự hợp tác với nước ngoài, nghiên cứu về Đồng bằng Sông Hồng (ĐBSH). Biết tôi có khả năng lập trình trên ngôn ngữ FORTRAN, thầy Hòa đã giao cho tôi nhiều việc như lập trình để tính sự truyền triều vào các cửa sông, tính chuyển tải nước tới các vị trí khác nhau trên ĐBSH, lập trình chuyển đổi nhiều dạng số liệu khác nhau để đưa về theo định dạng chuẩn, cần thiết cho việc chạy mô hình… Thầy đưa cho tôi phần lý thuyết để tham khảo và tự lập trình để xây dựng mô hình cho mình. Ngoài ra, thầy Hòa còn giúp cho tôi hiểu và làm quen với một số mô hình toán và thủy lực, như mô hình tính nhu cầu nước CROPWAT, mô hình quản lý, phân phối nước trên lưu vực RIBASIM… của nước ngoài. Thầy Hòa luôn rất bận vì ngoài giảng dạy ở trường, thầy vẫn tham gia nhiều dự án, nhưng hàng tháng thầy vẫn dành cho tôi vài buổi gặp để trao đổi công việc. Các bài toán lập trình nho nhỏ mà thầy Hòa giao cho, tôi đều làm tốt. Nhưng vốn không quen nghiên cứu, nên tôi luôn cảm giác mình đang bơi trong một mớ kiến thức rời rạc và đầu óc cứ rối tung cùng với hàng loạt các mô hình. Tôi rất lo lắng cho cái LATS này. Nhưng rồi, tôi quá may mắn vì đã có sự hỗ trợ của thầy Tiển. Chính thầy Tiển là người đã giúp tôi có một cái nhìn tổng hợp, liên kết các bài toán nhỏ, rồi đưa ra bài toán mang tính hệ thống cho việc nghiên cứu cân bằng nước vùng ĐBSH… Thầy Tiển đã đọc cẩn thận bản nháp luận án và những gì tôi làm, thầy sắp xếp lại bố cục, chỉnh sửa từng nội dung và câu văn tôi đã viết. Một sự kết hợp hoàn hảo giữa hai người thầy tuyệt vời và cuối cùng tôi đã hoàn thành quyển LATS. Ngay sau khi tôi sắp hoàn thành LATS, thầy Tiển đã đề nghị Bộ Đại học có công văn chính thức chuyển đổi thầy Hòa thành Người HD1 (đang là HD2) và thầy Tiển là Người HD2 (đang là HD1) cho LATS của tôi. Đây là điều tôi nhận thấy thầy Tiển đã rất trân trọng và công bằng với thầy Hòa, người có chuyên môn cao về mô hình Thủy văn - Thủy lực, đã hướng dẫn đào tạo trực tiếp và cụ thể cho NCS. Qua việc này tôi càng kính trọng thầy Tiển nhiều hơn. Là học trò, tôi rất ngưỡng mộ tình bạn của thầy Tiển và thầy Hòa, hai thầy luôn rất hiểu ý nhau, quý mến nhau và trân trọng nhau. Đầu năm 1996, tôi đã bảo vệ LATS đạt điểm xuất sắc. Thành công này là nhờ sự giúp đỡ nhiệt tình và hiệu quả của cả hai người thầy Trịnh Quang Hòa và Dương Văn Tiển; nhờ sự đóng góp ý kiến từ các thầy trong Trường qua các buổi hội thảo, bảo vệ thử…; sự hỗ trợ từ đồng nghiệp, gia đình và do sự cố gắng của bản thân. Nhờ kinh nghiệm nghiên cứu từ những năm tháng làm NCS, được học thêm về các mô hình thủy văn - thủy lực, nên sau đó tôi đã làm chuyên gia hơn hai năm trong nhóm Mô hình của Ủy hội Sông Mê công quốc tế (MRCS) ở Phnompenh, Campuchia. Tôi thực sự vô cùng biết ơn các thầy đã dạy dỗ tôi, cũng từ đó đã tạo cho tôi cơ hội được làm việc ở nước ngoài và có thêm thu nhập.

Vài kỷ niệm nhỏ về thầy Tiển

Thầy Dương Văn Tiển là một người thầy rất đáng kính. Thầy là người con có hiếu với cha mẹ (bố thầy sinh năm 1916 bị đột quỵ nằm liệt giường 5 năm từ 1992 đến 1997 và ở cùng với thầy tại Hà Nội. Thầy vừa công tác vừa tự mình chăm sóc bố,  tôi đã chứng kiến nhiều lần sự chăm sóc bố của thầy và thầy không tâm sự với ai về hoàn cảnh này). Thầy là người chồng, người cha chu toàn với gia đình và đối với học trò thì đầy lòng nhân hậu, chu đáo. Bạn Nguyễn Đông Yên, GS.TS Toán học (Viện Toán học Việt Nam), là chồng của bạn Lê Minh Hằng (TS.Thủy văn), đã từng nói, đại ý là: “Thầy Tiển đúng là một ông Phật, vừa nhân hậu, hiền từ và luôn làm nhiều việc tốt cho đời, cho người...”. Cảm ơn bạn Yên đã nói rất đúng về thầy Tiển của chúng tôi. Kể thêm một chút về bạn Lê Minh Hằng (nguyên Giám đốc Trung tâm Tư liệu KTTV, Tổng cục KTTV). Bạn Hằng là NCS của Trường ĐHTL cùng khóa với tôi và cùng công tác ở Tổng cục KTTV. Đề tài LATS của Hằng về lũ quét do thầy Hà Văn Khối là HD1 và thầy Trịnh Quang Hòa là HD2, nhưng bạn đã gặp khó khăn về tài liệu nghiên cứu mưa lũ. Sau đó chính thầy Tiển đã chủ động giúp đỡ NCS Hằng chuyển sang làm đề tài "Nghiên cứu cơ sở khoa học điều hành hệ thống Ngũ Huyện Khê" và Hằng đã bảo vệ thành công LATS. Công lao giúp đỡ tận tình của thầy Tiển cho Luận án của Hằng là rất nhiều, nhưng thầy Tiển cũng tự nguyện không đứng tên hướng dẫn.

Hồi học NCS, tôi đã được thầy Tiển giúp tìm kiếm nhiều tài liệu cần thiết từ nước ngoài, cả sách giáo khoa để tham khảo. Thầy chia sẻ với chúng tôi là sao học trò ngành KTTV nghèo thế, thầy ái ngại cho chúng tôi, vừa đi làm, vừa đi học và còn lo cho gia đình, chồng con. Có dịp nào giúp được học trò là thầy hết lòng giúp đỡ. Tôi kể với thầy rằng, em nghe nói NCS trong nước là rất tốn kém, phải lo lót nhiều khâu… Thầy cười và bảo: “Tôi cũng nghe nói thế, nhưng ở Trường ĐHTL này thì không thế nhé, các cô là học trò nhưng cũng luôn là những đồng nghiệp của chúng tôi mà…”. Khi con gái tôi học lớp 12, cháu đã được thầy Tiển giúp cho vào các lớp ôn thi đại học, đang tổ chức ngay tại Trường ĐHTL. Nhờ đó, cháu đã được vào thẳng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Cảm ơn Thầy Tiển nhiều lắm.

Nói về thầy Tiển thì không thể không nhắc tới cô Kiều Then, người bạn đời yêu quý của thầy. Cô Then là Hiệu trưởng một trường THCS ở quê nhà. Thầy hay kể về công lao và sự vất vả của người vợ ở quê. Ngoài việc chăm sóc hai người mẹ già, vợ thầy đã nuôi dậy ba con khôn lớn, đến lúc các con sắp vào cấp 2, cấp 3 mới gửi lên Hà Nội để thầy nuôi dạy tiếp, để các con có cơ hội học đại học ở Hà Nội. Ba người con của thầy đều rất thành đạt. Hai con trai tiếp bước theo bố, là sinh viên giỏi và được tuyển chọn làm giảng viên Trường ĐHTL, đều được ra nước ngoài làm Tiến sĩ. Con gái của thầy là cử nhân quản trị doanh nghiệp và là Trung tá quân đội từ năm 2019. Thầy cô thật hạnh phúc với đàn con, đàn cháu ngoan, giỏi giang và thành đạt.

Hồi năm 90x, thầy Tiển đã thuê một xe ô tô chở mấy cô học trò NCS về thăm quê thầy ở xã Hòa Tiến, Yên Phong, Bắc Ninh. Cô Then đã tiếp đãi chúng tôi rất nồng hậu, cô làm nhiều các loại bánh lá của quê hương vùng Chờ (bánh tẻ, bánh gai, bánh nếp, kẹo lạc v.v...), khi ra về mỗi cô học trò còn xách nặng tay rất nhiều thứ đem về. Chúng tôi còn được thăm Đền thờ Lý Thường Kiệt, dự ngày hội làng, xem rất nhiều trò chơi dân gian và nghe hát quan họ của ngày hội ở quê thầy.

Nhà thầy là một khu nhà to, rộng rãi với hai ngôi nhà sát cạnh nhau, một ngôi nhà 5 gian cổ kính đã trên trăm tuổi từ thời các cụ để lại và một ngôi nhà 3 tầng làm năm 2008 (thầy đặt tên là Tĩnh Gia Viên Dương Tiển - Kiều Then với ý nghĩa là nhà vườn yên tĩnh). Sân to, vườn rộng rãi, ao sen trước nhà và cây cối xanh mát khắp nơi... Cô Then trồng rất nhiều các loại rau, khi ra về, cô tặng cho chúng tôi một túi to các loại rau cà chua, bắp cải, cần tây… vừa ngon, ngọt và lại sạch nữa. Ngày còn hai mẹ già, mẹ thầy Tiển và mẹ cô Then, cả hai cụ đều sống chung với gia đình thầy cô ở quê. Hồi thầy còn bận việc ở Hà Nội, một tay cô Then đã chăm sóc cả hai mẹ. Thầy đã viết bài thơ “Cây cảnh nhà tôi”:

Mẹ như cây cảnh trong nhà

Cây non tám bẩy (87), cây già chín nhăm (95)

Một cây thích ngủ, thích nằm

Một cây chỉ thích đi thăm chợ - vườn…

…Giữa hai cây có cô Tiên

Kết đoàn hai Mẹ - vui duyên một nhà…

Bài thơ đầy tình cảm kính yêu hai người mẹ, xen lẫn là tình yêu thương và biết ơn người vợ ở quê nhà đã tần tảo, chăm sóc cả hai mẹ già. Thầy đã ví vợ mình như là cô Tiên. Hiếm gặp người phụ nữ nào chịu thương, chịu khó như cô Then, vừa làm công tác Hiệu trưởng một trường học, vừa đảm đang chăm sóc, yêu thương cùng lúc mẹ chồng và mẹ đẻ.

Ảnh: Kỷ niệm về thăm Tĩnh Gia Viên Dương Tiển - Kiều Then tại quê hương Bắc Ninh vào ngày Rằm tháng Giêng năm Giáp Thìn 2024

Từ phải qua trái: GS Yên, TS Hằng, Thầy Tiển, Cô Then, TS Thủy và

anh T.Q Huy (chồng của Thủy)

Tôi đã được thầy tặng cho tập “Thơ hát dọc đường” và gần đây là tập thơ văn “Mời bạn về thăm Tĩnh Gia Viên”của hai tác giả Dương Tiển - Kiều Then. Đúng là hạnh phúc đã được trọn vẹn hơn rất nhiều khi cả hai vợ chồng thầy cùng đam mê văn học và yêu thơ. Cuộc sống vật chất và tinh thần của vợ chồng thầy Tiển thật đáng ngưỡng mộ.

Đến ngày hôm nay, một trong hai người thầy đáng kính của chúng tôi ở Trường ĐHTL đã đi xa, chỉ còn thầy Dương Văn Tiển. Dù thầy trò sống xa nhau, thi thoảng mới có dịp được gặp thầy, nhưng trong lòng chúng tôi luôn ghi nhớ thầy Tiển là một người thầy rất mẫu mực và mãi mãi biết ơn thầy (xem ảnh ở trên).

Kính thưa thầy Tiển! Em được thầy hướng dẫn làm NCS trong vòng gần bốn năm. Đó là thời gian ngắn ngủi trong cuộc đời, nhưng em rất nhớ. Nhờ những năm tháng học tập ở Trường ĐHTL, em đã có những bước tiến tốt trong công việc. Em tiếc rằng mình không đủ tài năng để viết cho hay, cho hết công lao của thầy đối với em. Em chỉ biết cầu chúc thầy luôn mạnh khỏe, sống vui và hạnh phúc bên gia đình. Chúc Thầy Cô luôn vui khỏe, viết thêm nhiều bài thơ hay, những truyện ký sâu sắc về đất nước, nét đẹp làng quê, bạn bè đồng nghiệp, về gia đình hạnh phúc của mình và được bình an ngắm những trái ngọt mà bao năm Thầy Cô đã vất vả vun trồng.

                                                          Hà Nội, Xuân Giáp Thìn 2024

 

 

  1. hông tin cá nhân của tác giả:

Họ và tên: Đào Thanh Thủy

Ngày tháng năm sinh: 28 - 01 - 1956

Quê quán: Xã Cự Khê, H uyện Thanh Oai, Hà Nội

Nơi công tác (nếu có): cán bộ hưu trí Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Bộ TNMT

Thông tin về thời gian làm việc, học tập ở Trường: NCS tại Khoa Thủy văn, năm 1992 - 1996

Địa chỉ liên lạc: căn hộ B2305, Chung cư Mipec Long Biên, Hà Nội

Điện thoại, email: 0983512366, Email: thuyhms@gmail.com

Ghi chú: Tác giả cam kết tác phẩm thuộc quyền sở hữu của mình, là tác phẩm chưa từng công bố dưới bất kỳ hình thức nào và không có sự tranh chấp về bản quyền tác phẩm và quyền tác giả.