TS. Lê Minh Hằng (Hiện là cán bộ hưu trí của Tổng cục Khí tượng - Thủy văn)
Năm 2024 là năm kỷ niệm lần thứ 65 ngày thành lập Trường Đại học Thuỷ lợi. Nghĩ về hơn ba mươi năm trước, bao nhiêu cảm xúc, bao nhiêu kỷ niệm về trường, về các thầy cô, bạn bè, những niềm vui, nỗi buồn ùa về chen chúc nhau trong tâm trí tôi. Tôi cảm thấy lúng túng, không biết nên bắt đầu từ đâu và kể lại những điều gì đây?
Là học sinh khá đặc biệt của Nhà trường, có thể nói tôi là một trong những học viên bám trường lâu hơn bất kỳ bạn sinh viên nào của trường. Tôi cảm thấy rằng những điều tôi thu nhận được trong những năm tháng đó nhiều hơn cả kiến thức chuyên môn thông thường. Những năm tháng học tập, làm nghiên cứu ở trường là một phần rất có ý nghĩa của cuộc đời tôi.
Năm 1986 là năm bắt đầu đổi mới kinh tế. Nhưng trong những năm 90 sau đó kinh tế đất nước vẫn còn rất khó khăn. Viên chức sống bằng đồng lương rất nghèo, nhất là những người làm trong ngành Khí tượng Thủy văn. Chúng tôi, những kỹ sư, hàng ngày kiếm thêm bằng công việc gọi là phục chế số liệu. Những số liệu quan trắc khí tượng thủy văn từ hàng trăm năm trước được ghi chép trên giấy bị hỏng, bị ố vàng, nên phải sao chép lại một cách thủ công từ bản giấy cũ sang giấy mới. Rất lạc hậu. Công việc này đối với chúng tôi vô cùng nhàm chán và lãng phí thời gian. Có nhiều người tìm cách chuyển sang cơ quan khác, ngành khác để có thu nhập tốt hơn. Tôi lại không muốn bỏ nghề Thủy văn đã được học, được đào tạo. Đúng lúc đó, Trường Đại học Thủy lợi thông báo tuyển nghiên cứu sinh. Tôi thấy mình có đủ các tiêu chuẩn theo yêu cầu. Vì công việc ở cơ quan lại đang tẻ nhạt, nên tôi đã đăng ký đi học. Mà bản thân tôi cũng có nhu cầu tiếp tục học tập nâng cao trình độ. Đi học ở nước ngoài thì chưa có cơ hội... Suy nghĩ đơn giản như thế, không biết sợ là gì, và thế là tôi đi học.
Lật giở từng trang cuốn luận án tiến sĩ đã ngủ yên hơn hai chục năm trong tủ kính với đầu đề “Nghiên cứu cơ sở khoa học điều hành hệ thống Ngũ Huyện Khê chống lũ và tiêu úng”, hoàn thành năm 2000, tâm trí tôi quay trở lại những ngày xưa ấy. Tập thể hướng dẫn khoa học là Giáo sư Trịnh Quang Hoà, Giáo sư Hà Văn Khối, Phó Giáo sư Dương Văn Tiển (Tiếc rằng thầy Trịnh Quang Hoà và thầy Hà Văn Khối nay đã rời cõi trần, sang cõi Vĩnh hằng).
Để đi đến được đề tài nghiên cứu của luận án và hoàn thành nó, tôi (và những người liên quan đến tôi, là các giáo sư hướng dẫn) đã phải trải qua rất nhiều “khổ nạn”. Công việc trước khi đi học của tôi không liên quan đến nghiên cứu. Sau khi đã thi đỗ vào nghiên cứu sinh của Trường Đại học Thủy lợi (khoa Thủy văn và Môi trường, bộ môn Thủy văn Công trình) năm 1993, tôi đã rất lúng túng trong việc chọn giáo viên hướng dẫn và đề tài. Thật là thiếu chuyên nghiệp. Thật ra lúc đó không có nhiều lựa chọn. Tôi đã chọn thầy, Giáo sư Hà Văn Khối, với đề tài “Nghiên cứu đánh giá độ tin cậy của hệ thống thủy lợi”. Sau một thời gian đến Thư viện Quốc gia tìm sách, đọc sách, tôi thấy không ổn vì thiếu tài liệu và không có số liệu để nghiên cứu. Thầy đề xuất làm nghiên cứu về lũ quét, một vấn đề rất thời sự lúc đó, nhất là sau trận lũ lụt lịch sử tại Sơn La năm 1991. Nhưng rồi, số liệu về lũ quét cũng không có. Làm sao đo được lũ quét? Chỉ khi nó xảy ra rồi, thiên nhiên hết nổi giận rồi, người ta mới đi khảo sát tìm lại dấu vết của nó. Tôi loay hoay mãi với những đề tài như vậy, mà không đi đến đâu. Thời gian trôi nhanh. Đã qua hai năm. Tôi thấy rất lo lắng, vật vã và mệt mỏi. Tôi rất ân hận với quyết định đi học của mình.
Thầy Dương Văn Tiển, lúc đó là Trưởng khoa Sau đại học của Trường ĐHTL, đã rất lo lắng cho tôi. Thầy đã thảo luận với thầy Trịnh Quang Hoà (lúc đó là Phó trưởng bộ môn Thuỷ văn Công trình) để tìm kiếm lối ra cho tôi.
Thầy Trịnh Quang Hoà và thầy Dương Văn Tiển là đôi bạn tâm giao, tri kỷ, dường như từ những kiếp trước. Thầy Hoà bảo vệ luận án Tiến sĩ thủy văn ở Trường Khí tượng Thuỷ văn Odessa, Ucraina. Thầy Tiển bảo vệ luận án Tiến sĩ thủy văn ở Tiệp Khắc (nay là Cộng hòa Séc). Hai thầy đã có một tình bạn hiếm có, vô cùng thân thiết. Tính cách hai thầy rất khác nhau, nhưng bù trừ cho nhau. Cả hai thầy cùng có những phẩm chất tốt đẹp của nhà giáo là rất yêu nghề, tâm huyết với nghề, làm nghề giỏi cùng với sự tử tế, thiện lương. Chúng tôi cảm nhận được sự thông cảm, quan tâm, nhiệt tình giúp đỡ học trò, rất thương học trò, tôn trọng học trò từ các thầy. Chính lúc tôi đang vô vọng trong việc tìm lối đi thì hai thầy đã tìm cho tôi lối thoát. Đó là chuyển cho tôi làm đề tài về hệ thống thủy lợi Ngũ Huyện Khê.
Vì Trường Đại học Thuỷ lợi “Là cơ sở giáo dục đại học đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ chất lượng cao trong các lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ, kinh tế đóng góp vào sự phát triển bền vững của đất nước”, nên các thầy trong trường nói chung và trong tổ bộ môn Thủy văn Công trình nói riêng, đều chủ trì, hoặc tham gia vào các đề tài, dự án, nhiệm vụ nghiên cứu liên quan trực tiếp đến những vấn đề cấp thiết của đất nước, của vùng lãnh thổ hoặc của các địa phương. Thầy Hoà làm chủ nhiệm và thầy Tiển làm thư ký cùng tham gia đề tài nghiên cứu khoa học độc lập cấp nhà nước “Nghiên cứu công nghệ nhận dạng lũ trong điều hành hồ Hoà Bình chống lũ hạ du và ảnh hưởng của nó tới đồng bằng sông Hồng” (1994-1998). Có rất nhiều các công trình phục vụ sản xuất trong cả nước mà các thầy đã tham gia, trong đó có nhiệm vụ “Xây dựng chương trình điều hành hệ thống Ngũ Huyện Khê bằng sự trợ giúp của máy tính” (1998). Để xây dựng được chương trình điều hành thì trước hết phải có nghiên cứu cơ sở khoa học điều hành hệ thống. Thầy Tiển đã rất tâm đắc với đề tài này và là chủ nhiệm dự án vì trước hết nó rất thiết thực, kết quả của nó sẽ được ứng dụng trong thực tiễn, phục vụ cho nhu cầu cấp thiết của địa phương. Địa phương ở đây lại chính là quê hương huyện Yên Phong - tỉnh Bắc Ninh giàu có về văn hóa của thầy. Vậy là thầy Tiển và thầy Hòa đã dẫn dắt tôi vào việc nghiên cứu hệ thống Ngũ Huyện Khê.
Một trong những GIÁ TRỊ CỐT LÕI của Trường Đại học Thuỷ lợi là Chính trực, cụ thể là “Trung thực gắn liền với đạo đức tạo nên sự chính trực - là nguyên tắc sống và làm việc của các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, giảng viên và sinh viên Trường Đại học Thuỷ lợi. Nuôi dưỡng và bồi đắp lòng chính trực là điều vô cùng quan trọng tạo nên sự thành công của Nhà trường”. Trong suốt thời gian học tập và nghiên cứu tại trường, tôi và các đồng nghiệp của mình đều có cảm nhận sâu sắc giá trị cốt lõi đó. Tôi luôn nhận được sự động viên, khuyến khích từ các thầy không chỉ bằng lời nói và hành động. Những lúc tôi hoang mang, dao động khi không thấy lối ra, các thầy đều khẳng định “Em sẽ làm được, cố gắng lên!”. Không chỉ động viên, các thầy đã tìm được hướng đi khả thi và có ý nghĩa cho tôi. Không chỉ có vậy, các thầy còn đồng hành cùng với tôi và đã cùng đi đến cuối chặng đường khó khăn này.
Ngũ Huyện Khê là dòng sông bắt nguồn từ Đầm Thiếp thuộc huyện Mê Linh, chảy qua địa phận năm huyện Mê Linh, Đông Anh, Gia Lâm (thuộc Hà Nội), Yên Phong, Tiên Sơn (thuộc tỉnh Bắc Ninh), rồi đổ ra sông Cầu qua cống Đặng Xá. Đây là hệ thống tưới tiêu thuộc hệ thống thủy nông Bắc Đuống. Cơ sở hạ tầng của hệ thống chủ yếu là cống Cổ Loa, cống Đặng Xá, trạm bơm Đặng Xá, hệ thống bơm tiêu, hệ thống đê, hệ thống hồ chứa… Vấn đề của hệ thống là các mâu thuẫn giữa tiêu úng (từ các vùng tiêu tự chảy, tiêu bằng bơm) và điều tiết lũ bảo vệ an toàn đê; mâu thuẫn giữa bơm vợi và tiêu úng cho Yên Phong; mâu thuẫn giữa bơm vợi và trữ nước trong đoạn sông Ngũ Huyện Khê phục vụ cho tưới vụ đông. Các câu hỏi mà các nhà quản lý đặt ra là có cần phải tăng công suất của các trạm bơm, có cần phải nâng cao thêm hệ thống đê điều; khi nào đóng cống, mở cống; khi nào cần bơm tiêu, khi nào cần bơm vợi…
Thầy Hoà và thầy Tiển, nhất là thầy Tiển, đã rất tâm đắc với đề tài về hệ thống này. Yên Phong (Bắc Ninh) là quê hương của thầy. Vùng đất Bắc Ninh vô cùng tự hào về truyền thống văn hóa lâu đời của mình. Vợ chồng tôi đã cùng hai thầy đi về Công ty Thuỷ nông Bắc Đuống (nằm ở Đình Bảng, Từ Sơn) để lấy số liệu, đồng thời đi thăm một số đoạn đê Ngũ Huyện Khê, cống Đặng Xá, trạm bơm Đặng Xá. Vì hồi đó chưa có nhiều ô tô, nên chúng tôi đã đi thực địa bằng xe máy. Đó là những chuyến đi vô cùng thú vị. Nắng, nóng, mà vui. Các thầy đưa tôi đến gặp Kỹ sư Nguyễn Tất Luyện ở Công ty Thủy nông Bắc Đuống - một người am hiểu về hệ thống thủy nông Bắc Đuống. Anh Luyện là người rất thú vị, có hiểu biết sâu sắc về chuyên môn cũng như lịch sử và văn hóa của tỉnh Bắc Ninh, của làng Đình Bảng quê nhà. Ngoài việc cung cấp tài liệu chuyên môn, chúng tôi còn được anh Luyện dẫn đi thăm đình làng Đình Bảng, đền Lý Bát Đế (Đền thờ tám vị vua triều Lý). Có lẽ vì tôi cũng có duyên với vùng đất Bắc Ninh từ những ngày ấy mà sau này tôi đã trở thành người Bắc Ninh (hiện đang sống ở vùng quê quan họ là xã Hiên Vân, huyện Tiên Du).
Cuối cùng thì tôi cũng bảo vệ thành công luận án của mình. Tôi không lý giải được tại sao cảm giác lúc đó không phải là hạnh phúc tột độ, mà là cảm giác trống rỗng, nhẹ nhõm, như trút được gánh nặng. Có thể hạnh phúc là cảm giác không thể diễn tả được bằng lời. Lúc đó các thầy còn động viên rằng tôi chậm mà chắc. Có lẽ “chậm” là bản tính Trời cho tôi. Bây giờ vẫn còn nguyên. Còn “chắc” thì chắc là tôi không chắc... Các thầy có lẽ cũng trút được gánh nặng, vì tôi thấy niềm vui trên gương mặt các thầy...
Từ trái sang phải: TS. Nguyễn Thị Minh Phương, GS. TS. Trịnh Quang Hòa,
Lê Minh Hằng, TS. Đào Thanh Thủy
Nhiều năm tháng đã qua đi, những niềm vui nỗi buồn đều là những kỷ niệm mà khi nhớ đến chỉ là những ký ức đẹp. Tôi nhớ những ngày Hiến chương các nhà giáo, khi mà chúng tôi rất vô tư, nghĩ rằng tặng phong bì là cái gì đó thể hiện sự không tôn trọng dành cho các thầy. Chúng tôi đã cùng nhau đi tìm mua những tặng phẩm nhỏ bé nhưng có ý nghĩa. Khi thì mấy bông hoa hái ở vườn nhà của một bạn trong nhóm, khi thì mấy cuốn sách, khi thì quyển lịch. Năm 2000, lần đầu tiên người ta in lịch thơ với những bài thơ chọn lọc của Nguyễn Duy, được trình bày rất đẹp. Chúng tôi cũng mua lịch tặng các thầy. Tôi nhớ những lần đến nhà thầy Hoà để nhận sự hướng dẫn của thầy, là những lúc nhận được năng lượng, cảm hứng nghiên cứu mạnh mẽ từ thầy. Tôi nhớ hình ảnh thầy Hoà, thầy Tuấn, thầy Tiển chụm đầu ngồi góp ý sửa bản thảo luận án của tôi. Tôi nhớ số tiền cho bữa tiệc chiêu đãi thầy cô, bạn bè, đồng nghiệp nhân ngày tôi bảo vệ, thầy Tiển sợ tôi tốn kém nên nhất quyết ủng hộ. Tôi nhớ chúng tôi được thầy Tiển dẫn về thăm quê của thầy ở làng Yên Tân, xã Hòa Tiến, Yên Phong, Bắc Ninh. Chúng tôi đã được thấy ngôi nhà cổ năm gian hai dĩ gần hai trăm năm tuổi, và được gặp người vợ tần tảo, vô cùng giỏi giang, là hậu phương vững chắc của thầy...
Từ trái sang phải) Hàng đứng phía sau: Dương Đức Tiến (con trai thầy Tiển), Thầy Trịnh Quang Hòa, Trịnh Quang Thắng (con trai thầy Hòa), Thầy Dương Văn Tiển, Dương Đức Toàn (con trai thầy Tiển), Đào Thiện Trung (em trai chị Đào Thanh Thủy);
Hàng đứng phía trước: Anh Trần Quý Huy (chồng chị Thủy), Nguyễn Hương Trà (con gái của Lê Minh Hằng), Chị Ngô Thị Đạt (vợ thầy Hòa), Chị Kiều Thị Then (vợ thầy Tiển), Dương Bích Liên (con gái thầy Tiển), Trần Hương Giang (con gái chị Thủy), Lê Minh Hằng.
Hàng ngồi: Trịnh Quang Toàn (con trai thầy Hòa), Chị Đào Thanh Thủy
Tôi nhớ, tôi rất nhớ… Tôi đã được gặp, được học với các thầy thật đặc biệt. Một thầy Ngô Đình Tuấn, cây đại thụ của Thủy văn học Việt Nam. Một thầy Trịnh Quang Hoà với trí nhớ siêu phàm, tràn đầy năng lượng và tình yêu nghề nghiệp. Một thầy Dương Văn Tiển nhiệt huyết với tâm Bồ Tát, an nhiên, tự tại. Thầy đã thầm lặng làm mọi việc gúp chúng tôi và cầu mong giảm bớt sự vất vả cho học trò. Đồng thời, thầy Dương Văn Tiển cũng là một nhà giáo với tâm hồn trong trẻo, mộng mơ, yêu thơ văn... Sự nghiệp của các thầy được kế tục, truyền lại bởi thế hệ con, cháu. Đặc biệt, trong gia đình thầy Tiển, hai người con trai của thầy đều rất thành đạt, đều bảo vệ luận án Tiến sĩ ở nước ngoài (em Đức Tiến ở Vũ Hán - Trung Quốc; em Đức Toàn ở Tokyo - Nhật Bản), nay đều là giáo viên của Trường Đại học Thuỷ lợi và em Tiến đã được phong học hàm Phó Giáo sư từ năm 2015.
Những thất bại, những khó khăn thường cho chúng ta nhiều bài học hơn là thành công. Tôi đã không bỏ cuộc dù cho nhiều lúc tôi đã muốn bỏ cuộc. Tôi đã đi được đến đích, đã vượt qua được chính bản thân mình, đã kiên trì và nhẫn nại. Đó mới là thứ mà tôi may mắn đạt được sau nhiều năm. Tôi đã nhận ra và được nhận tình thương, sự giúp đỡ chân thành của các thầy cô, của đồng nghiệp, của gia đình, để tôi có đủ nghị lực đi tiếp về đích.
Sau này, khi hoàn thành và bảo vệ được luận án, tôi đã không đi theo con đường nghiên cứu khoa học, mà quay trở lại cơ quan (nơi đã cử tôi đi học, nơi đã tạo mọi điều kiện cho tôi hoàn thành nhiệm vụ) để tiếp tục công việc, nhưng với trách nhiệm cao hơn (là Giám đốc Trung tâm số liệu của Tổng cục Khí tượng - Thủy văn). Với kiến thức thu được cùng với những trải nghiệm sau nhiều năm, tôi cảm thấy tự tin vào bản thân mình, tin vào những điều tốt đẹp trong cuộc đời này. Vì vậy tôi mãi mãi ghi nhớ công lao của các thầy và mái trường Đại học Thủy Lợi thân yêu. Tại thời điểm này, với tôi đúng là “65 năm - Mãi mãi một mái trường”.
Tiên Du - Bắc Ninh, mùa hè năm 2024
Thông tin cá nhân của tác giả:
Họ và tên: Lê Minh Hằng
Ngày tháng năm sinh: 03/08/1959
Quê quán: Xã Yên Viên, huyện Gia Lâm, Hà Nội
Nơi công tác (nếu có): Cán bộ hưu trí của Tổng cục Khí tượng - Thủy văn
Thông tin về thời gian làm việc, học tập ở Trường (khoa, khoá, năm…): Là nghiên cứu
sinh tại Khoa Thủy văn Công trình, từ năm 1993 đến năm 2000
Địa chỉ liên lạc: Thôn Ngang Na, xã Hiên Vân, huyện Tiên Du, Bắc Ninh
Điện thoại, email: 0904307490; le.minh.hang.2008@gmail.com