Access to the path 'E:\WWW\65NamDNN910367\thovan.html' is denied. Chuyện kể về một chuyến "xâm nhập thực tế" của thầy, trò Trường Đại học Thủy lợi

Chuyện kể về một chuyến "xâm nhập thực tế" của thầy, trò Trường Đại học Thủy lợi

Gần 30 năm đã trôi qua, nhân kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Trường Đại học Thủy lợi, những kỷ niệm khó quên của những chuyến đi xâm nhập thực tế của thầy và trò gắn liền với sự phát triển và trưởng thành của Nhà trường.

Trong những năm 90 của thế kỷ trước, khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới một cách mạnh mẽ. Bộ Thủy Lợi, nay là bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã giao cho Nhà trường thực hiện nhiều dự án thủy lợi. Một trong những dự án đó là dự án “Quy hoạch hệ thống tưới tiêu và cấp nước sinh hoạt cho hai tỉnh Lào Cai và Yên Bái”. Khoa Quy hoạch và quản lý hệ thống công trình nay là khoa “Kỹ thuật tài nguyên nước” chịu trách nhiệm trước Nhà trường thực hiện nhiệm vụ này.

Nhớ lại, một trong những chuyến đi tìm hiểu, khảo sát thực địa ở hai tỉnh có nhiều kỷ niệm khó quên, đó là chuyến đi thực địa “Thanh Kim – Nậm Sài” thuộc huyện Sapa của tỉnh Lào Cai. Chuyến công tác kéo dài bảy ngày, mấy thầy trò cùng anh Mai cán bộ của Sở Thủy lợi Lào Cai cùng đi để liên hệ cũng là người dẫn đường. Xuất phát từ thị trấn Sapa đi tới bản Hồ, đường mòn độc đạo chỉ có thể đi bộ. Trâu bò, ngựa đi nhiều, nốt chân tạo thành bậc trên mặt đường, các phương tiện như xe đạp, xe máy đều không thể đi được - Lại thêm một khái niệm mới và khác nữa về đường “Sống Trâu”. Mọi người đều phải đeo “ba lô cóc” mang theo quần áo, thức ăn dự phòng, nước uống cùng sổ sách, tài liệu và một số thiết bị khảo sát đơn giản về chất lượng nước. Trời nắng, đường trơn rất khó đi. Xuất phát từ sớm mà gần tối mới tới bản Hồ, một bản của người Tày. Dân sống ở nhà sàn, sinh hoạt ăn ở, nấu nướng đều ở trên sàn, nhưng rất ngăn nắp, sạch sẽ và cũng rất văn minh. Đoàn nhờ nấu ăn và ngủ nghỉ, dân tiếp đón rất nhiệt tình. Sớm hôm sau Đoàn lại tiếp tục lên đường tới Nậm Sài. Vẫn là đường mòn theo sườn đồi, có khi đi theo thềm suối ngược lên thượng nguồn. Nhớ khi vượt qua một cầu treo làm bằng mây, bắc qua khe suối sâu hun hút, nước suối trong vắt nhìn thấy cá bơi và những viên sỏi đủ màu sắc ở đáy suối. Qua cầu, Đoàn ngồi nghỉ dưới bóng cây bên suối, gặp mấy cô gái trẻ trung, xinh xắn người Tày đi rừng về, rất hồn nhiên, thấy có máy ảnh cứ đòi chụp ảnh chung với Đoàn. Phong cảnh như là tranh sơn thủy làm tôi nhớ đến câu thơ Nguyễn Du đã tả trong Truyện Kiều:

“Dưới cầu nước chảy trong veo

Bên cầu tơ liễu bóng chiều thướt tha”

Ngày ấy, chúng tôi còn trẻ, trước khung cảnh rất đỗi nên thơ, mọi người đều cảm thấy phấn chấn quên cả mệt mỏi, lại tiếp tục lên đường. Gần sẩm tối mới tới Nậm Sài – một bản của người dân tộc Sa Phó. Dân ở rải rác trên các sườn đồi. Cuộc sống phụ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên, địa phương chưa có hệ thống công trình thủy lợi nào. Tìm đến nhà dân, người lớn đi làm vẫn chưa về, gặp mấy cháu nhỏ, thấy người lạ, chúng tìm cách trốn tránh không tiếp xúc, vì các cháu cũng không biết nói tiếng Kinh. Tìm đến nhà chị trưởng bản, chị là người duy nhất thạo tiếng Kinh, nhưng mấy ngày nay đi bắt “lâm tặc” khai thác gỗ Pơ mu, nghe nói chiều tối nay mới về. Tối mịt gặp chồng chị nhưng anh cũng không thạo tiếng Kinh, nghe và nói câu được câu không. Rất may! 9 giờ tối thì chị trưởng bản về tới nhà, chị vui vẻ đón tiếp và cùng chồng chuẩn bị cơm nước cho đoàn. Bữa cơm tối thức ăn không có gì ngoài món thịt ngựa để gác bếp đã lâu ngày và ít rau khoai lang luộc mà chập tối, khi đợi chủ nhà, chúng tôi hái ở vạt khoai mọc hoang trên sườn đồi. Gạo, thóc cũng thiếu thốn nhưng rượu Sán Lùng (rượu nấu trực tiếp từ thóc nếp) thì rất sẵn, đựng vào chum lớn. Uống rượu bằng bát, vừa uống vừa trao đổi công việc của ngày hôm sau. Thịt ngựa gác bếp lâu ngày đã nặng mùi, rất khó ăn – họ chỉ giành tiếp khách quý. Khi đưa vào mồm do phản xạ tự nhiên lại muốn nôn ra, phải cố ngậm miệng rồi uống rượu để  nuốt trôi. Nhìn xuống mâm, đĩa rau khoai đã hết, mấy sinh viên đang ngắc ngứ như muốn ọe, mình ra hiệu cho mấy bạn phải kín đáo để giữ gìn quan hệ.

Bữa “Liên hoan” đến gần 12 giờ đêm mới kết thúc. Rượu ngấm, lại vừa qua một chuyến đi xa, người rất mệt muốn ngủ mà vợ chồng con cái chủ nhà đã rút vào một gian nhà được ngăn ra bởi liếp nứa để ngủ. Anh Mai (người dẫn đường) chỉ cho chúng tôi một khoảng trống ngay cạnh bếp đun, có mấy mảnh bao tải cũ lấm đầy tro bụi, nói: đấy là chỗ ngủ của Đoàn. Nhà của người Sa Phó là nhà đất, ngay sát vách là chuồng gà, chuồng lợn. Mệt quá, chúng tôi đều chìm vào giấc ngủ. Từ rất sớm tiếng lục đục, tiếng kêu của gà, của lợn ngay bên cạnh đã làm chúng tôi tỉnh giấc, người ngứa ran, nổi lên những nốt do bọ chó đốt. Sau này, khi chúng tôi về tới nhà mới phát hiện nhiều nốt cắn của ruồi vàng và bọ chó, mua nhiều loại thuốc bôi và uống mãi vẫn không khỏi. Cho tới đợt đi công tác ở Tây Nguyên được anh bạn cùng học thời đại học để lại cho chiếc mật gấu rừng, bôi thử vào tự nhiêu hết ngứa và khỏi hẳn.

Ở Nậm Sài, ngày hôm sau, Đoàn cùng cán bộ địa phương lặn lội lên tận thượng nguồn của con suối, tìm được vị trí xây dựng đập dâng và vạch tuyến kênh đưa nước dẫn về bản. Bà con trong bản đi theo rất đông, mặt ai cũng tỏ vẻ phấn khởi vì lần đầu tiên gặp những người về đưa ý định xây dựng hệ thống cấp nước cho họ. Rất gian khổ vất vả, nhưng nhìn thấy những nụ cười và ánh mắt hi vọng của bà con, Thầy trò chúng tôi cũng bớt đi cảm giác mệt nhọc và có thêm niềm vui nho nhỏ.

Hoàn thành công việc ở Nậm Sài, Đoàn quay ra bằng một đường khác để tới xã Thanh Kim. Con đường tới Thanh Kim cũng khá khó khăn, phải leo qua một dốc dài, dân địa phương gọi là dốc “Năm quai” vì phải đi vòng qua 5 quả đồi nằm kề sát nhau để lên đỉnh dãy núi, là ranh giới giữa huyện Sapa và huyện Than Uyên. Đi theo đường phân thủy, hai bên đường là vực sâu hun hút, nhưng đường bằng dễ đi, gió mát lồng lộng. Tới chiều tối cùng ngày mới tới được xã Thanh Kim. Đây là xã người dân tộc Dao sinh sống, ở nhà đất rải rác trên các sườn đồi, nhìn rất gần nhau nhưng leo mãi mới tới nơi. Đoàn được ông Chủ tịch xã đón tiếp và chiêu đãi bữa cơm tối rất thịnh soạn, có thịt gà và rau cải nương. Dân ở đây sống theo kiểu tự cung, tự cấp, không có thói quen mua bán, có tiền cũng không mua được gì, nhưng nếu cần thì dân cho cả gà, vịt, gạo nếp nương rất ngon.

Thanh Kim chỉ còn cách thị trấn Sapa gần 20km, hệ thống thủy lợi đã được xây dựng, nhưng từ khi hoàn thành, cả công trình đầu mối và hệ thống kênh dẫn nước đều có vấn đề về mặt kỹ thuật, không phát huy được tác dụng. Những dòng suối nhỏ ở chân dãy Hoàng Liên Sơn có độ dốc lớn, thường xuyên xảy ra lũ ống, lũ đá. Công trình đầu mối là đập dâng chắn ngang suối nếu chọn vị trí xây dựng không tốt, chỉ một thời gian ngắn sau khi xây dựng sẽ bị các con lũ đưa đất đá về bồi lấp đầy thân đập kể cả cống lấy nước, làm mất hoàn toàn tác dụng.

Ở Thanh Kim, Đoàn chúng tôi đã phải lặn lội tìm một vị trí xây dựng khác để đặt công trình đầu mối, nhằm tránh được sự bồi lấp do lũ. Với hệ thống kênh, hiện tượng mất nước xảy ra nghiêm trọng thậm chí không còn nước chảy về cuối kênh. Do đáy kênh xuất hiện các hố lớn với đường kính 20÷30cm, nước trên kênh theo các hố thất thoát xuống đất. Những hố này có thể là hang động vật hoặc các tổ mối, nhưng động vật không thể chỉ đào ở đáy kênh, hơn nữa những hố mất nước chỉ xuất hiện ở đoạn kênh men theo những sườn đồi thoải, cây cối mọc khá tốt. Những sườn dốc này có thể do những trận lũ quét, mang đất đá từ sườn cao xô xuống tạo thành. Nền địa chất có nhiều lỗ hổng là khe kẽ của những tảng đá “mồ côi” xen với đất. Vì vậy, nước trên kênh sẽ thường xuyên ngấm rò rỉ tạo ra những lỗ hổng mất nước ở đáy kênh. Sau khi phân tích, bàn bạc kỹ lưỡng, chúng tôi đề xuất phương án bọc lót đáy kênh những đoạn chảy qua những nền địa chất xấu như vậy. Những đoạn kênh vượt qua khe nước từ sườn dốc sẽ làm ống dẫn kín bằng bê tông.

Sở thủy lợi Lào Cai đã chấp nhận và tiến hành đại tu hệ thống thủy lợi Thanh Kim theo phương án của Đoàn. Sau khi hoàn thành, hệ thống hoạt động tốt và phát huy hiệu quả. Nhân dân địa phương rất phấn khởi. Vì thời gian thực hiện toàn bộ dự án kéo dài gần 3 năm, chúng tôi có dịp được chứng kiến niềm vui ấy.

Kết thúc chuyến công tác Thanh Kim – Nậm Sài, Đoàn về nghỉ tại thị trấn Sapa thì trời đổ mưa lớn. Thật phúc lớn cho chúng tôi, vì theo cán bộ địa phương, mưa lớn thường gây lũ ống, lũ quét ở dọc con đường mà chúng tôi đã đi qua.

Đây là một trong rất nhiều chuyến đi thực địa để thực hiện dự án “Quy hoạch tưới tiêu và cấp nước sinh hoạt cho hai tỉnh Lào Cai và Yên Bái”. Thầy trò đã có dịp tiếp xúc và giải quyết những vấn đề kỹ thuật mà thực tế đặt ra. Cả Thầy và trò đều có những bước trưởng thành theo cách riêng của mình.

Anh Lê Trung Tuân, một trong những sinh viên khóa 32N sau những chuyến đi thực địa trở về làm đồ án tốt nghiệp ra trường với đề tài thực tế này. Đồ án tốt nghiệp của Lê Trung Tuân đã đạt giải nhì - giải Loa Thành -  giải thưởng giành cho những đồ án tốt nghiệp xuất sắc. Lễ trao giải được tổ chức ở Văn Miếu. Giáo sư, tiến sĩ Trịnh Trọng Hàn - Trường đại học xây dựng tâm sự: “Đồ án của anh Tuân có hàm lượng học thuật cao, có giá trị thực tiễn lớn, chỉ tiếc đồ án viết dài quá, nếu viết ngắn gọn và cô đọng hơn chắc chắn đoạt giải nhất”. Lúc đó tôi mới biết GS.TS Trịnh Trọng Hàn trong ban giám khảo và chấm đồ án tốt nghiệp của sinh viên mình hướng dẫn.

Anh Lê Trung Tuân ra trường về Viện nghiên cứu Thủy lợi, sau đó bảo vệ xuất sắc luận án tiến sĩ tại Nhật, về làm cán bộ quản lý ở Viện Tưới tiêu rồi lên làm vụ phó vụ Kỹ thuật – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Chắc chắn anh Lê Trung Tuân không thể nào quên những ngày đi thực địa ở Lào Cai và Yên Bái.

Hàng chục năm sau, cán bộ của một số cơ quan chuyên ngành trong nước kể cả các tổ chức quốc tế có dịp lên công tác ở các điểm vùng sâu, vùng xa của Lào Cai, dân còn khoe rằng: Thầy trò thầy Hải ở trường Đại học Thủy lợi đã từng lên đây với chúng tôi và gửi lời hỏi thăm. Khi được những người quen cùng ngành đi công tác về kể lại, tôi thật sự cảm động và thấy ấm lòng.

Những Mường Than, Mường Lò; những Nậm Sài, Nậm Có, Háng Praha; những bản Hồ, bản Qua; những Thanh Kim, Quang Kim; những Cốc Ly, Cốc San, Cốc Pục; những Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Bàn, Simacai, Bắc Hà, Bát Sát... Những tên bản làng, xã, huyện của hai tỉnh Lào Cai và Yên Bái vẫn mãi mãi âm vang trong kí ức rất thân thương của mỗi chúng tôi.

Đã rất nhiều năm qua, Thầy trò Khoa “Quy hoạch và quản lý hệ thống công trình” nay là Khoa “Kỹ thuật tài nguyên nước” luôn coi việc “Lý thuyết gắn liền với thực tế sản xuất” làm phương châm đào tạo các chuyên ngành. Những vấn đề kỹ thuật thiên hình vạn trạng gặp ngoài thực tế sẽ là những ví dụ sinh động minh họa cho bài giảng của các thầy cô ở trên lớp. Trưởng thành qua môi trường thực tiễn sản xuất, các thầy cô giáo của Khoa khi làm việc với các đối tác ở trong nước cũng như quốc tế sẽ tự tin và hiệu quả hơn. Thầy trò đến với thực tế, có cơ hội áp dụng những kiến thức khoa học mới, tiên tiến vào giải quyết những vấn đề thực tế đặt ra, góp phần nhỏ bé nâng cao đời sống của nhân dân địa phương và càng thêm yêu ngành, yêu nghề.

Những chuyến đi thực thế, Thầy, Trò cũng được học hỏi thêm nhiều. Xin nhắc lại một kỷ niệm, khi đến làm việc tại xã Xuân Quang, huyên Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai. Đây là vùng của dân Nam Hà (Hà Nam và Nam Định) lên khai hoang. Dân định cư dọc theo suối ngược lên tận thượng nguồn, để bám trụ sinh sống, họ xây dựng rất nhiều ao núi nhỏ ở những vị trí thích hợp dọc theo hai bên suối. Những công trình rất đơn giản bằng gỗ, tre, nứa, vừa có tác dụng ngăn nước và lấy nước vào ao vừa có khả năng phòng chống lũ phá hoại. Những ao núi này chẳng những tạo điều kiện cho đồng bào chăn nuôi gia cầm, gia súc, chăn nuôi cá mà còn giữ ẩm, tăng thảm phủ, tăng khả năng điều tiết dòng chảy của lưu vực. Theo bà con kể lại, khi họ mới lên, về mùa khô các suối đều cạn kiệt, không có nước. Nhưng hiện tại những dòng suối này đã có dòng chảy quanh năm. Đúng là những bài học vô cùng quý giá cho thầy trò chúng tôi từ những kinh nghiệm và việc làm thực tế của người dân địa phương.

Nhân câu chuyện kể về chuyến đi thực tế, chúng tôi cũng bày tỏ sự mong muốn Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các cơ quan chức năng ưu tiên giành nhiều dự án thực tế về Thủy Lợi cho Nhà trường, nhằm tạo điều kiện cho thầy trò trong trường thâm nhập thực tế, mang những kiến thức và thành tựu khoa học mới, giải quyết những vấn đề mà thực tế sản xuất yêu cầu. Đồng thời, tạo cơ hội cho thầy trò nâng cao kiến thức thực tế, có công việc làm để tăng thêm thu nhập, với mục tiêu cuối cùng là nâng cao chất lượng đào tạo, giúp Nhà trường không ngừng trưởng thành và phát triển.

Tuy nhiên cũng cần nói thêm, người làm công tác quy hoạch khi đi thực tế phải thật tận tâm, dám chấp nhận gian khổ khó khăn, lăn lộn với thực địa, với công việc mình làm. Nếu chỉ đi đến cơ quan địa phương thu nhập tài liệu ở các phòng ban, không trực tiếp xuống điều tra, khảo sát cụ thể ở thực địa thì những dự án lập ra ít có giá trị và thường xa rời thực tế. Cũng có không ít các dự án khi thực hiện, bị địa phương kêu ca vì không đạt yêu cầu, kém hiệu quả.

PGS.TS Phạm Ngọc Hải, cựu sinh viên K5. Nguyên giảng viên cao cấp – Trưởng khoa Kỹ thuật tài nguyên nước, Trường ĐHTL