Access to the path 'E:\WWW\65NamDNN910367\thovan.html' is denied. Gửi Thạc...

Gửi Thạc...

Những tập nhật ký Chiến Tranh "Mãi mãi tuổi 20", "Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm" đã tạo ra sức cuốn hút lớn trong một bộ phận thanh thiểu niên và đông đảo bạn đọc các lứa tuổi. Lâu lắm, chúng ta mới lại khơi được những đốm lửa cuộc sống quý giá như vậy, dẫu rằng ngọn lửa ấy ở mỗi người, mỗi thế hệ đều luôn ẩn chứa và sẵn sàng bừng sáng.

 

 

 

Tôi thật sự lúng túng khi một người bạn đọc nhật ký "Mãi mãi tuổi 20" hỏi: Cậu viết gì cho Thạc vào buổi sáng sớm trước khi chia tay về binh chủng xe tăng? Đã 34 năm trôi qua, tất cả có lẽ đã mờ dần trong quên lãng. Mấy dòng vội vã vào buổi sáng sớm trước lúc hành quân ấy gửi lại cho binh nhì Nguyễn Văn Thạc chỉ như một giọt sương trong buổi sớm mùa đông 1971. Thật không ngờ đó là những dòng đầu tiên và cũng là cuối cùng trên tờ giấy (tạm gọi là thư) mà tôi gửi cho Thạc. Rồi chỉ ít lâu sau, vĩnh viễn chúng tôi đã không còn Thạc.

Khi đọc quyển nhật ký "Mãi mãi tuổi 20" , tôi cùng với đồng đội như trở về ký ức sâu thắm ngày nào, như được nghe thấy tiếng hò hét ăn thua giữa một bên là Thạc, Dưỡng, Lăng, Y... và bên kia là Như Thanh, Đỗ Thành, Trực Ngôn, Tâm... trong trận đá trên sân kho hợp tác xã mà bóng là quả bưởi vặt trộm của chị chủ nhà đóng quân. Như được nghe thấy Thạc ngân nga: "Nỗi buồn như râu tóc. Cạo hết rồi lại mọc..." để cả bọn cười như tung cả nóc nhà, bù lại những khi trầm lắng, suy tư. Cuốn Nhật ký như một bộ phim mà tác giả kịch bản chính là Thạc - anh lính binh nhì, và tất cả cũng đâu có ngờ rằng như là sự run rủi của số phận. Thời gian - như là đạo diễn đã cho chúng tôi được xem lại chính cuộc đời mình, được sống lại quãng đời tuổi 20 đầy sôi nổi, ngu ngơ, có lúc lại dại khờ, nhưng tràn đầy nhựa sống. Chỉ có điều nhân vật chính là chàng binh nhì Thạc lạikhông tận mắt chứng kiến những thước phim đang được quay chậm về quá khứ cùng đồng đội, bạn bè, anh Thục, gia đình và người bạn gái thủa nào - người mà Thạc gửi trọn tình yêu và nỗi nhớ, người đã sưởi ấm trái tim của anh trên những chặng đường hành quân gian lao, hay trước mỗi trận đánh khốc liệt trong Thành Cổ, trong những đêm thao thức cùng những cây bạch đàn lặng lẽ giữa núi rừng Tân Yên hoặc đắm chìm trong chiều hoàng hôn chờ ngôi sao Hôm "...mọc từ lúc trời còn đỏ mờ, rồi xanh dần ánh thép..." Thạc ơi! đã qua rồi một thời tuổi trẻ, đã qua rồi một thời khói lửa như ngày nào bọn mình cùng mong ước "...Mọi cuộc chiến tranh rồi sẽ thôi gầm thét, chỉ còn lại tình yêu..." (A.Tonxtoi).

"...Đất nước khổ đau và nghìn năm lăn lộn với ruộng đồng..." của Thạc, của chúng ta giờ đây lại bắt đầu một cuộc trường chinh đến ấm no hạnh phúc mà đâu có kém sự khốc liệt. Đã có những người từng là đồng đội có may mắn không nằm lại trong bom rơi đạn lửa Thành Cổ ngày nào, nhưng lại gục ngã đớn đau trong bon chen của cơm áo, giàu sang. Nhưng Thạc hãy tin cũng sẽ có và rất nhiều trong thế hệ trẻ hôm nay - những anh lính binh nhì của đất nước như Thạc, như thế hệ 20 ngày ấy. Thạc thường trăn trở: "Nếu như tôi không trở lại...". Không, các bạn của Thạc - Y, Dưỡng, Minh và các chàng trai trẻ hôm nay cùng với tất cả sẽ viết tiếp bản giao hưởng của cuộc đời. Và Thạc - anh như người nghệ sĩ trong dàn giao hưởng đồng đội đang cất lên giai điệu yêu thương cháy bỏng, của đau khổ, suy tư và khát vọng, cất lên âm hưởng khi ngọt ngào, khi sục sôi, khi tuyệt vọng, khi bùng cháy... không chỉ của một thời đã qua mà cho cả hôm nay và mai sau.

Nguyễn Quý Lăng

Nguyên Giảng viên Bộ môn Toán, Trường ĐHTL. Là đồng đội của Liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc – tác giả cuốn Nhật ký Chiến tranh “Mãi mãi tuổi 20”