Access to the path 'E:\WWW\65NamDNN910367\thovan.html' is denied. Người lính – Thầy giáo và Nhạc sĩ

Người lính – Thầy giáo và Nhạc sĩ

Tham gia quân ngũ ở cái tuổi đôi mươi khi mới chỉ là sinh viên Khoa Toán, Trường Đại học Tổng hợp (nay là Đại học Quốc gia Hà Nội), thầy Nguyễn Quý Lăng (sinh năm 1952) – nguyên Giảng viên Bộ môn Toán – Trường Đại học Thủy lợi không khỏi bồi hồi, xúc động khi nhớ lại những năm tháng cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Thầy Nguyễn Quý Lăng – nguyên Giảng viên Bộ môn Toán – Trường Đại học Thủy lợi

Xung phong lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, thầy Nguyễn Quý Lăng là 1 trong 50 sinh viên được vào học lớp kỹ thuật viên xe tăng của Đoàn 10 – Binh chủng xe tăng (tiền thân của Trường Sĩ quan Tăng - Thiết giáp sau này). Năm 1973, khi Bộ tư lệnh Tăng - Thiết giáp thành lập Đội Tuyên văn (nay là Đoàn Nghệ thuật Binh chủng Tăng-Thiết giáp), ông được gọi lên tham gia Đội và sau đó được cử đi học lớp sáng tác âm nhạc dưới sự giảng dạy của các nhạc sĩ như: Huy Du, Huy Thục, Trọng Loan ...

Có thể nói, trong thời kỳ này phong trào văn hóa – văn nghệ đã tác động rất lớn đến tình cảm, nhiệt huyết, sự kiêu hãnh của thanh niên; biến những bỡ ngỡ của người sinh viên quen cầm bút thành sức mạnh nắm chắc cây súng khi ra chiến trường. Âm hưởng của các ca khúc như: Bước chân trên dãy Trường Sơn, Anh vẫn hành quân… hay những ca khúc Nga khi đó đã luôn là những giai điệu không thể nào quên. “Ngày miền Nam giải phóng, non sông thu về một mối, trong tiếng hò reo của mọi người, riêng tôi chỉ nghĩ: Ừ, chiến thắng rồi, một cảm giác nhẹ nhàng ập đến. Chúng tôi bắn súng Aka mừng chiến thắng, mong là những loạt đạn Aka cuối cùng…” - thầy Nguyễn Quý Lăng chia sẻ.

Hòa bình lập lại, ông được quân đội cho về tiếp tục học tập và trở thành Giảng viên Bộ môn Toán của Trường Đại học Thủy lợi. Vừa làm công tác giảng dạy, vừa say mê sáng tác, thầy giáo - nhạc sĩ Nguyễn Quý Lăng đã viết lên nhiều ca khúc làm thổn thức triệu trái tim. Tiêu biểu có thể kể đến là ca khúc “Mãi mãi tuổi hai mươi” - một thước phim quay chậm hồi tưởng lại về quá khứ đã lùi xa, về quãng thời gian của những người lính sinh viên đầy kiêu hãnh, tự hào trong gian khổ; hay như “Hát về anh: người doanh nhân cựu chiến binh" ca ngợi những người lính trở về sau chiến tranh và thành công trên con đường lập nghiệp.

Bích Việt