Đại tướng Võ Nguyên Giáp- Người Thầy giáo lớn

Trước khi là người lính, Bác Giáp đã là một thầy giáo. Sau khi chiến tranh kết thúc, Bác là Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ phụ trách khoa học, giáo dục. Những năm 80 của thế kỷ trước, giáo dục nước nhà gặp vô vàn khó khăn trong khó khăn chung của đất nước, giáo dục Đại học tưởng như không vượt lên được, Bác Giáp đã ủng hộ phá bỏ rào cản, cho phép các trường Đại học tự chủ trong quan hệ quốc tế, ủng hộ việc chuyển nền giáo dục Đại học tập trung, bao cấp sang nền giáo dục Đại học xã hội hóa, đầu tư cho giáo dục từ nhiều nguồn lực khác nhau.

Riêng với Trường Đại học Thủy lợi, có một kỷ niệm sâu sắc, một niềm tự hào lớn lao là được Bác về thăm đúng ngày kỷ niệm 25 năm thành lập trường.

Hôm đó, một sáng mùa thu đẹp trời, tại hội trường T20, Bác Giáp cùng lãnh đạo các Bộ: Bộ Thủy lợi, Bộ Khoa học kỹ thuật, Bộ Đại học, Trung ương Đoàn TNCS,…đã dự lễ kỷ niệm và trao Huân chương Lao động hạng nhất cho trường.

Sau khi trao Huân chương, Bác Giáp đã phát biểu trước toàn thể giảng viên, cán bộ, công nhân viên và đông đảo các thế hệ sinh viên của Nhà trường. Thay mặt Đảng và Nhà nước, Bác biểu dương những thành quả Nhà trường đã đạt được trong một phần tư thế kỷ. Bác khen ngợi và ủng hộ mô hình “ ba kết hợp”- Đào tạo, Khoa học kỹ thuật, Phục vụ sản xuất- được trường thực hiện có hiệu quả qua các đoàn ĐH1, ĐH2, ĐH3 trải khắp các tỉnh phía Nam. Bác yêu cầu Nhà trường thực hiện mạnh mẽ cải cách giáo dục đại học theo Nghị quyết 14-NQ/TƯ, Nghị quyết 79/BCT của Trung ương, để cùng toàn ngành vượt qua thời điểm khắc nghiệt của quá trình phát triển. Bác ủng hộ, trong mạng lưới các trường Đại học được sắp xếp theo Nghị quyết 73 của Chính phủ có Trường Đại học Thủy lợi, với tư cách là một trường độc lập. Bác mong thày và trò Trường Đại học Thủy lợi thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ:  “dù khó khăn đến đâu, cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt, học tốt”. Và Bác tâm sự, một quyết định khó khăn nhất trong đời cầm quân của Bác là Quyết định kéo pháo ra khỏi trận địa, chuyển từ  “ đánh nhanh, thắng nhanh” sang “ đánh chắc, tiến chắc” đưa đến chiến thắng Điện Biên Phủ, như một lời động viên nhà trường đoàn kết, sáng tạo vượt qua thời điểm khó khăn của đất nước, của ngành giáo dục đại học, trong những năm tám mươi, để đưa nhà trường phát triển. Khi Bác Giáp kết thúc bài  phát biểu, cũng vừa là lúc quân nhạc thổi vang bài “ Giải phóng Điện Biên” và tiếng vỗ tay phấn chấn, hồi lâu của cả Hội trường.

Năm năm sau, năm 1989, nhân dịp kỷ niệm 30 năm thành lập Trường Đại học Thủy lợi và Viện Khoa học Thủy lợi, Đại tướng lại về thăm và làm việc với Trường và Viện. Đó là sự quan tâm lớn lao của Bác với sự nghiệp Giáo dục và Khoa học công nghệ.

Đại Tướng Võ Nguyên Giáp về thăm và làm việc với Trường và Viện năm 1989. Bên trái là  GS.TS. Nguyễn Xuân Bảo, Hiệu trưởng Trường ĐHTL, bên phải là GS. Nguyễn Thanh  Ngà, Viện trưởng Viện KHTL

Bác Giáp đã đi xa, nhưng hình ảnh của Người còn mãi trong ký ức mỗi người Việt Nam và bè bạn quốc tế. Đó không chỉ là hình ảnh của một vị tướng tài ba, mà còn là hình ảnh một Người Thầy giáo lớn, có tầm nhìn xa. Giảng viên, cán bộ và sinh viên Trường Đại học Thủy lợi hứa với Bác sẽ tiếp tục Đoàn kết, trí tuệ, năng động, đổi mới để xây dựng và phát triển nhà trường, như mong muốn của Người.

GS.TS Phạm Ngọc Quý - nguyên Phó hiệu trưởng Trường ĐHTL