Lịch sử là dòng chảy vô tận của thời gian. Hãy ngược dòng thời gian, cùng sống lại những ngày tháng gian khổ, khó khăn nhưng cũng đầy vinh quang của Trường Đại học Thủy lợi từ những ngày đầu…
Khi là Bộ trưởng Bộ Thuỷ lợi, ông Trần Đăng Khoa luôn ấp ủ sự nghiệp đào tạo cán bộ khoa học kỹ thuật cho ngành Thuỷ lợi. Nguyện vọng ấy đã thành sự thật, vào năm 1959, Học viện Thủy lợi ra đời và ông là Giám đốc đầu tiên của Học viện. Đấy là sự khởi đầu cho những trang lịch sử vẻ vang của Đại học Thuỷ lợi anh hùng. - Bước vào năm học 1961-1962, nhà trường có thêm Trung cấp Điện, và cũng từ thời gian này trường có tên gọi “Học viện Thủy lợi và Điện lực”.
Bộ trưởng Trần Đăng Khoa báo cáo Chủ tịch Hồ Chí Minh về tình hình lũ lụt trên mặt đê Mai Lâm (1957).
Những lớp sinh viên đầu tiên vẫn còn lưu giữ trong mình những kỷ niệm sâu săc về một người thầy tài năng và mẫu mực. Dù là bận rộn với nhiều công víệc của Nhà nước và của Đảng Dân chủ, nhưng ông đã dành khá nhiều thời gian và công sức cho sự nghiệp trồng người.
Nói về ông Trần Đăng Khoa, cần phải nhắc đến cuộc Tổng tuyển cử ngày 6-01-1946, kỹ sư Trần Đăng Khoa được bầu là đại biểu Quốc hội khoá I. Sau đấy ông được cử là Bộ trưởng Bộ Giao thông công chính trong Chính phủ Liên hiệp.
Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá II vào tháng 4 -1960, ông được tiếp tục bầu là đại biểu. Ngày 15- 7- 1960 tại kỳ họp thứ 2 của Quốc hội khóa II, ông được bầu làm Phó Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Liên tiếp sau đấy, ông là đại biểu Quốc hội các khóa III, IV, V, VI, VII.
Tháng 4 1981, ông được Quốc hội khóa VII bầu làm Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - Kế hoạch và Ngân sách của Quốc hội.
Như vậy, ông là đại biểu Quốc hội tới 42 năm, là một trong những người tham gia hoạt động Quốc hội lâu nhất.
Những dấu ấn của ông để lại trong lịch sử Quốc hội còn rất đậm đà. Thời kỳ chống thực dân Pháp là Bộ trưởng Bộ Giao thông Công chính, ông đã lăn lộn khắp miền đất nước. Đặc biệt, âm mưu thâm độc của địch là phá hoại các công trình thủy Iợi để không có nước phục vụ cho đồng ruộng dẫn đến mất mùa, không có lương thực cho người dân và cung cấp cho chiến sĩ ngoài chiến trường. Bận rộn là vậy, nhưng mỗi lần Ban Thường trực Quốc hội yêu cầu báo cáo, ông đều có mặt đầy đủ và đưa ra các ý kiến xác đáng, thuyết phục lòng người.
Ghi nhận những công lao và đóng góp của ông, Đảng và Nhà nước ta đã trao tặng kỹ sư Trần Đăng Khoa Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Nhất, Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất, Huân chương Hồ Chí Minh (1989).
Để ghi công lao của ông, Thành phố Huế đã đặt tên phố Trần Đăng Khoa & An Cựu là nơi ông sinh ra.
Theo: Những ngôi sao sáng mãi - tác giả Vũ Mão
Biên tập: Bình Dương