NẮNG SÂN TRƯỜNG

Cái nắng dịu của một ngày giữa đông năm nay đang trải dài xuống sân trưởng khi những cơn gió mùa chưa vừa kịp về để mang mùa đông đến…

Ảnh minh họa

Những sợi nắng mắc víu trên những tân bàng chuẩn bị thay lá, cây phượng già lác đác lá vàng sau một thời gian bừng cháy qua hè… ngày đuổi ngày trượt dài trên triền dốc. Thời gian thoáng chốc đã trở nên xa lắc xa lơ cái buổi đầu thu năm rồi, những tân sinh viên chân ướt chân ráo với những bước e dè và đầy bỡ ngỡ, bước qua cánh cổng 175 Tây sơn - Đống Đa - Hà Nội. Cũng như bao tân sinh viên khác, tôi người chưa phủi sạch bàn chân mình nhũng bụi đất của quê nhà, còn mang theo cả nắng và gió từ xứ Quảng xa xôi vượt gần nghìn cây số, cùng lên đường theo cuộc hành trình tìm về với giảng đường Đại học Thủy lợi.

Ở phía chiếc bóng đổ dài khi mặt trời gọi ngày xuống núi chiều nay, tự dưng nơi ánh mắt veo trong của tôi bỗng neo đậu lại cái hình ảnh về buổi ban đầu ấy. Nó không phải là "ngày đầu tiên đi học” không úp mặt khóc sướt mướt trên vai mẹ, ánh mắt sợ sệt... Mà có một thứ niềm vui hỗn tạp nào đó đang dao động ở phía bên trong, một thứ niềm vui mà mãi đến sau này tôi cũng không thể gọi thành một cái tên cụ thể nào được, chỉ biết nó thật lạ, thật khó tả và... thật khó để quên; càng làm tăng thêm những tần số của xốn xang trong lòng mình. Một chút bỡ ngỡ, một chút niềm vui và một chút ít xao xuyến đã làm tôi thêm một chút ít lo lắng nữa. Điều khác biệt đầu tiên mà tôi cảm nhận được khi dặt bàn chân xuống nơi đất Hà Nội phố này là giọng nói. Một người miền Nam Trung Bộ như tôi thật sự cảm thấy lạc lõng giữa dòng ngưởi đang nói với nhau bằng giọng của miền Bắc. Liệu rồi đây, trong những mối quan hệ hằng ngày, những cuộc xã giao, những giờ lên lớp... khoảng cách của tôi và họ có xa như cái khoảng cách gần nghìn cây số Quảng Nam tôi với Hà Nội không? Tôi có mãi lạ lẫm như cái giọng của người Nam Trung Bộ tôi với giọng Bắc của họ không?… Những hoài nghi rất chính đáng và cũng rất thành thực phải không cảc bạn!? Ngày ấy, tất cả những điều đó chỉ biết nằm cuộn tròn thành một dấu chấm hỏi trong tâm thức riêng tôi. Tôi hy vọng ở thời gian, hy vọng ở một miền đất ấm tình người, ở một ngôi truờng nơi đã và đang tiếp tục ươm những mầm xanh và đặt nền móng cho một thế hệ sinh viên chúng tôi, hy vọng ở những tấm lòng giàu yêu thương của các thầy các cô, ở sự thân thiện của những sinh viên cùng gặp nhau dưới một gia đình lớn - mái trường Thủy lợi này để giúp tôi xóa bỏ đi những khoảng cách, những rào cản trước tất cả những thứ mà với tôi cũng như những tân sinh viên khác đều là mới lạ.

Đi qua một mùa thu, đi qua những ngày đầu mùa đông và những kì vọng về những cơn gió lạnh đầu mùa để được cảm nhận hơi ấm từ lòng bàn tay, giờ đây, sân trường thật lạ lại có những ngày nắng vàng trải đều khắp sân trường. Kỉ niệm về buổi ban đầu ấy chỉ còn là dòng hoài niệm của ngày hôm qua trong những trang nhật ký tôi viết.

Ảnh minh họa

Dấu chấm hỏi cuộn tròn thuở ấy trong tôi, cuối cùng cũng đã được bung gỡ bằng chính những ngày tháng tôi sống nơi kí túc xá này. Những ánh mắt đầy thân thiện mà tôi gặp mỗi ngày, những sự quan tâm từ cái điều nhỏ nhất - một cuốn sách, một xấp tài liệu, một quyển giáo trình để lên lớp, một bát cháo hành nóng lúc cuộn mình trên giường bệnh, một gói mì tôm lúc đọc sách nửa đêm… tất cả, tất cả thành một chất keo vô hình, gắn kết những con người, những sinh viên dưới mái trường này. Hay một chiếc áo ấm của cô giáo tặng tôi trong mùa đông năm trước đã cho lòng tôi một cảm giác thật là ấm áp. Dường như, tôi cảm thấy cái Tôi trong tôi đã rời chân đi tự bao giờ rồi và tìm đến được với cái Chúng Ta. Những nhịp tim hôm nay đã thật sự đồng điệu. Chưa bao giờ tôi thấy yêu tiếng Quảng quê mình đến thế và cũng chưa bao giờ tôi thấy gỉọng nói của những con người xứ Bắc này quen thuộc, gấn gũi và đầy truyền cảm đến như thế. Vậy là tôi đã có thêm một quê hương thứ hai từ khi bước chân đến học ở ngôi trường này, để cho tôi yêu, để cho tôi nhớ trong nhũng ngày tôi về nơi quê hương nuôi dưỡng cho tôi tiếng mẹ đẻ, ăn Tết hay trong những kì nghỉ hè; một quê hương để tôi lưu luyến và đầy tiếc nuối khi mùa hạ cuối cùng tôi còn được lên giảng đường với thầy cô, với đám bạn đã cùng tôi đi qua quãng đời sinh viên với nhũng buồn vui, những góc trời riêng tư, xa xôi một thời. Những áp lực, những rào cản đã dần vơi đi và dừng lại ở phía "không ranh giới”. Tôi đã có một mùa đông "không lạnh" bên bạn bè tôi, bên những con người tôi gặp hằng ngày dưới mái trường này, trong lòng Hà Nội phố.

Tôi đã không còn cồn cào muốn trở về nhà trong những ngày nghỉ cuối tuần nữa...

Những vệt nắng cuối cùng đã ngủ vùi trên những phiến lá si. Kết thúc một ngày với những bộn bề sách vở, với những lo lắng nơi giảng đường, ngồi trên hàng ghế đá trong sân kí túc, lặng đếm bước chiều đi, thả lòng mình trôi về những miền suy nghĩ miên man theo vòng xoay của quả cầu ai tung trên sân. Ngày mai, mỗi cái Tôi trong cái Chúng Ta sẽ phải làm gì để góp thêm vào mốc son 60 năm của ngôi trường đại học này. 60 năm - xây dựng, 60 năm - phấn đấu và trưởng thành. 60 năm - của bề dày truyền thống và thành tích…? Còn khoảng thời gian tiếp theo thuộc về thế hệ sinh viên tôi và các bạn. Những lo lắng không định hình lại bắt đầu đan ngập những sợi mắt veo trong.

Những ngày tháng nơi giảng đường lắm buồn vui và cũng thật nhiều những lo toan, trăn trở, làm sao có thể giấu nổi sau bao nhiêu thanh âm khúc khích mỗi lúc tan trường về!?!

Một chút nắng còn rơi rớt lại, một chút gió ở phía chiều tàn... cố níu gọi… ngày đi… Mai rồi nhớ lắm mái trường ơi!

 

Lâm Quỳnh - cựu sinh viên

Chỉnh biên, biên tập: Bình Dương